Hướng đến US Open (Kỳ 5): Mảnh đất lành cho châu Á
Nếu nói tới người châu Á từng vô địch Grand Slam thì đã có Li Na, tay vợt người Trung Quốc từng vô địch Roland Garros 2011 và Australian Open 2014. Nhưng chưa có tay vợt nam châu Á nào làm được điều tương tự như Li Na. Thực tế đã có một chàng trai mang dòng máu châu Á trở thành nhà vô địch Grand Slam là Michael Chang, tay vợt vẫn đang giữ kỷ lục là tay vợt nam trẻ nhất trong lịch sử giành Grand Slam, khi mới 17 tuổi 4 tháng tại Roland Garros 1989. Nhưng Chang sinh ra ở Mỹ và thi đấu dưới màu cờ của quần vợt Mỹ.
Dù vậy chính Michael Chang lại là người huấn luyện và đưa Kei Nishikori trở thành tay vợt nam châu Á đầu tiên lọt vào chung kết một giải Grand Slam tại US Open năm ngoái. Những cái nhìn về các tay vợt châu Á “thấp bé nhẹ cân” đã dần thay đổi. Và điểm chung giữa họ là gì?
Li Na trước khi thành danh đã trải qua những năm đầu sự nghiệp không mấy suôn sẻ khi nằm trong sự quản lý của Liên đoàn quần vợt Trung Quốc. Thời gian biểu tập luyện cũng như tiền thưởng không nằm trong sự quản lý của Li Na. Và chỉ đến khi Li Na dứt bỏ Liên đoàn và quyết định cùng chồng đến tập luyện ở nhiều trung tập tại Mỹ và cộng tác với nhiều HLV tên tuổi, sự nghiệp của Li Na mới sang trang mới. Chỉ có một chút tiếc nuối khi Li Na bắt đầu tìm được con đường thành công khi đã 27 tuổi.
Nishikori không phải là con nhà nòi về thể thao, khi cha là kỹ sư, còn mẹ là giáo viên dạy piano. Nhưng Nishikori đã sớm phát huy được tiềm năng của mình khi gia nhập lò đào tạo IMG Academy sau khi tốt nghiệp trung học. Nơi đây có “thày phù thủy” Nick Bollettieri, người đã đào tạo nên những tên tuổi xuất chúng như chị em nhà Williams, Maria Sharapova, Pete Sampras, Andre Agassi…
Cũng có nhiều tay vợt châu Á tìm đến học viện của Nick Bollettieri nhưng không phải ai cũng thành công như Nishikori. Từ “Dự án 45” (Project 45), đặt mục tiêu đưa Nishikori lọt vào Top 50 thế giới, tay vợt người Nhật Bản đã làm được nhiều hơn thế. Nishikori đã đi tới chung kết Grand Slam, chung kết giải Masters 1000 (tại Madrid Masters 2014) và đã từng vươn lên số 4 thế giới.
Nước Mỹ đã đem lại những tương lai mới cho những con người châu Á như Michael Chang, Li Na và Kei Nishikori. Không có nhiều tay vợt châu Á có đủ tố chất và cả may mắn để đi theo con đường của họ. Nhưng dù sao đó cũng là một hướng đi mà những tay vợt châu Á có thể tìm kiếm và thử sức mình.
LY NA
Nishikori là tay vợt nam châu Á đầu tiên đi tới chung kết một giải Grand Slam cũng như một giải Masters 1000 và cũng là người đầu tiên vươn lên số 4 trên bảng xếp hạng ATP. Li Na chính là tay vợt đầu tiên của châu Á giành Grand Slam đơn nữ và có thứ hạng cao nhất khi xếp số 2 thế giới.