Những điều khiến Wimbledon là giải đấu có một không hai (Phần 1)
Ngoài quy định dị biệt về trang phục thi đấu, lịch sử 139 năm của Wimbledon còn chứng kiến nhiều điều thú vị mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ giải đấu nào khác.
Tay vợt đặc biệt của Hoàng gia Anh
Những ai quan tâm đến điện ảnh chắc hẳn biết đến bộ phim “Vị vua nói lắp” (The King's Speech), bộ phim đã mang về giải Oscar cho tài tử người Anh Colin Firth với vai diễn khắc họa hình ảnh Vua George VI. Không chỉ được biết đến là vị vua có nỗ lực phi thường để chữa tật nói lắp, Vua George VI còn là một tay vợt cự phách.
Khi vẫn còn là Công tước xứ York, nhà vua tương lai của Anh quốc từng tham dự Wimbledon 1926 ở nội dung đánh đôi. Mặc dù vậy, ông đã bị loại ngay ở vòng 1 cùng người đánh cặp là Sir Louis Greig, trước cặp đôi Arthur Gore và Herbert Roper Barrett với tỷ số 6-1, 6-3, 6-2.
Vua George VI, cha của nữ hoàng Anh Elizabeth II hiện tại, là thành viên duy nhất của Hoàng gia Anh vào lúc này từng thi đấu tại Wimbledon.
Chỉ cần đấu 1 trận để vô địch
Chúng ta đã quen với việc Roger Federer hay Novak Djokovic phải trải qua 7 trận đấu vất vả để có thể bảo vệ ngôi vô địch giành được ở màu giải trước đó. Điều này trái ngược hẳn so với thời kỳ đầu, khi mà cơ hội dành cho các nhà ĐKVĐ để bảo vệ ngôi vương là rất rộng mở. Từ giải đầu tiên năm 1877 đến 1921, những nhà ĐKVĐ nội dung đơn nam và đôi nam sẽ tự động chắc một suất trong trận chung kết, trong khi đối thủ còn lại vẫn thi đấu các vòng như bình thường.
Wimbledon ra đời với mục đích… quyên tiền mua dụng cụ thể thao
Không phải tennis, croquet, hay được biết đến với cái tên bóng cửa, bóng vồ ở Việt Nam, mới là môn thể thao quan trọng nhất ở Wimbledon khi All England Croquet Club được thành lập vào năm 1868. Quần vợt chỉ xuất hiện tại đây cho đến năm 1875, và thực chất, Wimbledon lần đầu tiên tổ chức năm 1877 cũng nhằm mục đích đóng góp tiền để các thành viên đặt mua những dụng cụ dùng để chơi croquet.
Tuy nhiên, sức hút của tennis nhanh chóng lấn át croquet, mở đường cho các thành viên của CLB trở thành những tay vợt. Năm 1882, từ “croquet” đã bị gỡ khỏi tên của CLB nhưng đã trở lại sau đó. Cho đến ngày nay, All England Club vẫn có những bãi cỏ để chơi croquet.
Nghỉ thi đấu vào Chủ nhật
Cũng là một truyền thống từ lâu vẫn còn được giữ lại, sẽ không có trận tennis nào được thi đấu vào ngày Chủ nhật của tuần đầu tiên. Wimbledon cũng là Grand Slam duy nhất có một ngày xả hơi cho các tay vợt trong 2 tuần lễ thi đấu. Tuy nhiên, trong các năm 1991, 1997 và 2004, vì trời mưa nên để đảm bảo lịch thi đấu, một số trận đấu vẫn phải diễn ra vào ngày Chủ nhật đầu tiên.
Chú chim diều hâu cảnh vệ Rufus
Trong số rất nhiều điểm thú vị của Wimbledon, chú chim Rufus luôn là một trong những điều đặc biệt nhất. Không chỉ là con chim diều hâu bình thường, Rufus có trách nhiệm bảo vệ vùng trời của Wimbledon, với công việc hàng ngày là xua đuổi bồ câu trước khi chúng làm những điều “dại dột”, như bay vào sân hay xả bậy (phân của bồ câu có thể làm hỏng mặt cỏ Wimbledon).
Tuy nhiên, Rufus chỉ được phép “hù” bồ câu và chim chóc bay quanh chứ không được phép tấn công. Để làm được điều này, Rufus đã trải qua những khóa huấn luyện gắt gao, để rồi giờ đây, trở thành một trong những chú chim nổi tiếng nhất thế giới.
Ngày 28/06/2012, Wimbledon “tá hỏa” khi Rufus bị “bắt cóc”. Cảnh sát Anh đã phải vào cuộc điều tra và sau 3 ngày mất tích, Rufus đã trở về khi được một nhân viên công cộng tìm thấy trong chiếc lồng của mình trên vệ đường. Chú chim này sau đó phải lưu lại bệnh viện vài hôm để chữa trị vết thương nhỏ ở chân.