Những điều khiến Wimbledon là giải đấu có một không hai (Phần 2)
Wimbledon là giải đấu luôn toát lên sự sang trọng, quý phái. Và sự lịch lãm đó, cũng đến từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Khoang Hoàng gia trên khán đài
Dù không tham dự Wimbledon thêm lần nào nhưng Vua George VI vẫn thường xuyên đến xem các trận đấu ở sân trung tâm, nơi có khoang Hoàng gia (Royal Box) nổi tiếng trên khán đài. Với 74 ghế ngồi, khu vực VIP này dành cho các thành viên của Hoàng gia và những vị khách nổi tiếng trong mọi lĩnh vực, có sức ảnh hưởng lớn.
Ngày trước, nếu có thành viên nào của Hoàng gia Anh dự khán trận đấu tại Royal Box, các tay vợt cần phải thể hiện sự kính trọng bằng cách cúi chào. Tuy truyền thống lâu đời này đã được dỡ bỏ vào năm 2003 nhưng một số tay vợt vẫn tiếp tục lưu giữ.
Năm 2010, Nữ hoàng Elizabeth II đến thăm sân trung tâm lần đầu tiên kể từ năm 1977. Vào ngày hôm đó, tay vợt người Scotland, Andy Murray và đối thủ Jarkko Nieminen đã nhận được những tràng pháo tay rất lớn khi cúi chào sự xuất hiện của Nữ hoàng.
Video Andy Murray và Jarkko Nieminen cúi chào Nữ hoàng Elizabeth II:
Sân trung tâm từng bị đánh bom
Trong thời gian tạm hoãn vì Thế chiến II, những chiến sĩ dân quân tự vệ người Anh từng cải tạo All England Club thành nông trại nuôi thỏ, heo, gà để cung cấp cho quân đội. Dù không phải là một căn cứ quân sự, song Wimbledon không tránh khỏi sự tàn phá của chiến tranh.
Ngày 11/10/1940, quân đội Đức đánh bom sân trung tâm và phá hủy 1.200 chỗ ngồi nhưng may là không có thương vong. Wimbledon thi đấu trở lại năm 1946 nhưng sự hoang tàn của một góc khán đài vẫn còn nguyên. Phải đến năm 1949, sân đấu mới được sửa chữa và khôi phục hoàn toàn.
Quý phái ngay trong cách gọi
Sau rất nhiều năm, Wimbledon vẫn giữ truyền thống “lịch lãm” của mình, bằng việc gọi các tay vợt nam là “quý ông”, còn tay vợt nữ là “quý bà”. Với các tay vợt nam, trọng tài đôi khi dùng tên để thay thế. Nhưng các tay vợt nữ luôn luôn được thêm danh đệm “quý bà” ở trước tên mình, kể cả trong lúc tập luyện.
Xếp hàng để mua vé
Xếp hàng mua vé có lẽ là việc làm quần chúng nhất với một Wimbledon “quý tộc”, song điều đó cũng góp phần khiến giải đấu này trở nên khác biệt. Wimbledon là Grand Slam duy nhất khuyến khích người hâm mộ xếp hàng để mua vé vào sân trong ngày diễn ra các trận đấu. Khu vực bán vé theo hình thức xếp hàng này được đặt tên là The Queue.
Mỗi ngày sẽ có 1.500 vé (trước vòng bán kết) được bán theo cách này ở 3 sân đấu chính là sân trung tâm, sân số 1 và sân số 2. Để mua được vé, bạn phải đến từ rất sớm, thậm chí là có mặt ở The Queue từ tối hôm trước. Hình ảnh những chiếc lều trại được dựng lên quanh khu vực sân đấu là điều hết sức bình thường.
Dù có thể phải mất cả ngày để có được một tấm vé nhưng không ai phàn nàn về điều đó, ngược lại, họ còn coi đó là nét văn hóa độc đáo của Wimbledon.
Dâu tây và kem
Dĩ nhiên, không thể không nói đến dâu tây và kem, một nét đặc trưng độc nhất ở Wimbledon. Năm ngoái, 28.000 kg dâu tây và 7.000 lít kem tươi được tiêu thụ sau 2 tuần lễ. Loại dâu tây này được lấy từ “Khu vườn của nước Anh” năm ở hạt Kent, phía đông nam của Anh và được chuyển đi Wimbledon vào lúc sáng sớm. Để đảm bảo độ tươi, dâu tây sẽ chỉ được hái xuống vào ngày hôm trước.
Quả dứa trên chiếc cúp vô địch
Chiếc cúp dành cho nhà vô địch nội dung đơn nam của Wimbledon có lẽ là một trong những chiếc cúp dễ nhận biết nhất thế giới. Không chỉ thu hút bởi sự lộng lẫy từ tác phẩm mạ vàng cao khoảng 47 cm với đường kính 19 cm, điểm gây chú ý nhất của chiếc cúp tới từ thiết kế hình quả dứa được trang trí ở đỉnh nắp cúp.
Hiện tại, lý do quả quả dứa xuất hiện trên chiếc cúp, thay vì loại quả truyền thống là dâu, vẫn còn là bí ẩn. Nhiều người cho rằng, dứa được chọn vì nó là loại quả của giới quý tộc thế kỷ 17 ở Anh quốc. Thời đó, dứa rất hiếm ở Anh, do vậy mà nó khá đắt đỏ. Nếu bạn tham dự một bữa tiệc nào những năm 1600 và thấy dứa trên bàn, bạn nên cảm thấy vinh dự vì điều đó.
Tuy nhiên, giả thuyết được thừa nhận nhiều nhất có liên quan tới thói quen từ xưa của hải quân Anh. Theo đó, những người lính thủy sẽ đặt một quả dứa lên chiếc cổng nhà mình sau mỗi lần trở về từ chuyến đi biển dài ngày.