Từ 40.000 USD của bộ môn tennis: Cả bộ môn chưa đủ “nuôi” Hoàng Nam
Dự 2 giải đã hết tiền
Giới chuyên môn và NHM chắc hẳn sẽ sốc khi biết rằng bộ môn tennis chỉ có đúng 40.000 USD, tương đương trên 800 triệu đồng cho việc xuất ngoại tập huấn thi đấu năm 2015. Đó là một sự thật rất phũ phàng và quen thuộc, bởi trong cả chục năm trở lại đây, khoản này bao giờ cũng chỉ xoay quanh mức 35.000-40.000 USD. Nguyên nhân bởi nguồn kinh phí chung của ngành thể thao cũng rất eo hẹp, phải cáng đáng 40 môn, trong khi tennis chỉ được xếp vào nhóm ưu tiên cuối cùng do khả năng tranh chấp thành tích kém. SEA Games 28 vừa rồi, môn này không giành nổi tấm huy chương nào.
Chính bài toán kinh phí gắn với thành tích đã khiến môn tennis rơi vào vòng luẩn quẩn đầy bế tắc. 40.000 USD thực sự chỉ đủ cử ĐTQG dự tranh 2 giải đấu quanh châu Á và ĐNÁ với số lượng tuyển thủ tinh gọn nhất có thể. Và nếu cuộc đấu diễn ra ở châu Âu hay Mỹ, tình hình còn gay go hơn. Đơn cử, chỉ vòng loại Davis Cup của đội nam trên đất Malaysia đã tốn hơn 20.000 USD.
Mất 1/10 “bao” Liên đoàn đóng lệ phí
Đây là chuyện có thật mà hệt như tiếu lâm. Số tiền bộ môn tennis được cấp đã thấp một cách thảm hại song năm nào cũng phải trích ra tới 4.500 USD (chiếm quá 1/10 của con số 40.000 USD) đóng thay tiền lệ phí quốc tế cho Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Có nghĩa là, khoản chi vào tập huấn, thi đấu quốc tế thực tế chỉ là 35.500 USD.
Điều nghịch lý, mọi khoản lệ phí thu của các hội viên, hay từ các giải đấu quốc nội, Liên đoàn đều toàn quyền sử dụng. Thế nhưng, đến khoản tiền lệ phí, phần trách nhiệm trực tiếp, thiết thân nhất của mình với các tổ chức tennis thế giới và châu Á, Liên đoàn lại phó mặc cho cơ quan quản lý nhà nước đóng thay.
Thực ra, không phải Liên đoàn Quần vợt Việt Nam nghèo đến nỗi không thể tự đóng mà đơn giản nó giống như một nếp quen của lối mòn bao cấp và thụ động. Ngay từ đầu, ngành thể thao đã “bao” khoản này, giờ chẳng dại gì Liên đoàn phải thay đổi, nhất là khi nhiều tổ chức xã hội – nghề nghiệp khác cũng vậy.
Càng khốn khổ ở chỗ, lệ phí quốc tế của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam lại thuộc diện cao nhất trong các môn. Và khoản chi gần như “mặc định” hàng năm này đã ảnh hưởng tới kế hoạch chung của cả bộ môn. Như thừa nhận của các nhà quản lý trực tiếp, họ thấy rất xót xa vì phải trích 4.500 USD cho một việc rất vô lý, bất công, trong khi nguồn của cả môn chỉ có 40.000 USD. Họ không biết xoay sở như thế nào, và cũng không thể làm gì, ngoài việc cố gắng tập trung cho ĐTQG ở mức duy trì.
Hà Thảo
Ước tính khoản chi phí Becamex Bình Dương đầu tư cho nhà Quán quân đôi nam Wimbledon trẻ Lý Hoàng Nam khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ nguồn kinh phí dồi dào từ đơn vị chủ quản, Nam mới có thể tham dự 20-25 giải đấu trẻ quốc tế chất lượng cao trên khắp thế giới, dưới sự dẫn dắt của một chuyên gia ngoại. Từ trường hợp của Nam mới thấy rõ thảm trạng kinh phí của bộ môn tennis. Giả dụ cả môn phải chấp nhận hy sinh để ưu tiên, thì khoản 35.500 USD cũng chưa đủ cho nhu cầu của một mình Hoàng Nam.