Paul Pierce bị đâm dao suýt chết và tấm gương về nghị lực quật cường
"24 tháng 9 năm 2000?" - Matt Barnes hỏi
"Đó là ngày tôi không bao giờ quên" - Paul Pierce trả lời.
Vụ xô xát trong hộp đêm
Ngày tháng 9 định mệnh ấy, Paul Pierce cùng người đồng đội Tony Battie và anh trai của Tony là Derek đến một hộp đêm tại Boston có tên là Buzz Club. "Chúng tôi tản ra ngay lập tức. Tôi đi về phía bên phải, cậu ấy đi sang bên trái", Tony Battie kể lại.
Paul Pierce, khi đó mới là một cầu thủ năm ba và vẫn còn độc thân, uống vài chén rượu trước khi tiếp cận các cô gái tại đó, điều mà bất cứ chàng trai trẻ độc thân nào đến hộp đêm cũng làm. Nhưng có người tỏ ra "ngứa mắt" với tài năng của Boston Celtics.
"Tôi không biết mình đã làm gì sai, đã nói gì không hay ho. Đột nhiên có một gã tiến đến và bảo tôi đừng có nói chuyện với cô gái này. Cô ta thì như kiểu: ồ, anh trai vướng phải rắc rối rồi đó. Điều tiếp theo tôi biết là mình bắt đầu vật lộn với anh ta".
"Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi còn chẳng biết tại sao mình lại đánh nhau nữa. Ban đầu chỉ có một người thôi, sau đó thì đột nhiên mình tôi chiến đấu với 3 người. Tôi thậm chí còn chẳng biết mình bị đâm dao nữa. Đứng thẳng người, tôi nhìn xuống và thấy áo mình đẫm máu. Máu chảy thành dòng ở trên mặt, thậm chí tôi còn không thể mở mắt".
Kết quả giám định cho thấy cầu thủ của Boston Celtics nhận tới 8 vết dao, 3 lần vào bụng, 5 lần vào lưng và bị đập một cái chai vào đầu. Hai anh em nhà Battie nhanh chóng đưa Paul Pierce ra và đưa anh vào xe hơi. "Từ đầu cho tới lưng cậu ấy, chỗ nào cũng có máu. Máu thấm ướt đẫm ghế xe của tôi", Tony Battie nhớ lại.
Sau 3 phút lái xe trong tuyệt vọng, may mắn là họ đã tìm thấy một bệnh viện nhi. Tuy nhiên, họ không thể tìm thấy lối vào và Paul Pierce gục ngã trên vỉa hè, gần như không thể bước tiếp. Dẫu vậy, thần chết vẫn chưa tìm thấy anh, thay vào đó là một người bảo vệ. Ông chạy tới phòng Cấp cứu và trở lại cùng các bác sỹ.
"Tôi rất khó thở và sợ rằng mình sẽ chảy máu tới chết mất. Tôi luôn miệng hỏi rằng liệu mình có chết không", Paul Pierce kể lại. Cầu thủ của Boston Celtics khi ấy phải lên bàn mổ ngay lập tức. Một cuộc phẫu thuật phổi diễn ra để loại bỏ các thương tổn từ những vết đâm sâu hơn 15cm. Ca mổ diễn ra thành công và ông được trở về nhà sau 2 ngày.
Trong khi đó, phải mất tới 2 năm để giới chức trách khiến những kẻ tấn công Pierce phải đền tội. William Ragland bị tuyên phạt 7-10 năm tù, nhưng người ta phát hiện ra tay này từng xả súng vào đám đông tại Boston và giết người khi mới 14 tuổi. Tại tòa, hắn liên tục xin lỗi nhưng một mực cho rằng mình bị oan. Trevor Watson bị kết án 1 năm tù, trong khi Anthony Hurston trắng án.
Vết thương không bao giờ lành
"Tôi về nhà sau 2 ngày nằm viện. Trên TV, họ phát bản tin một cậu bé bị đâm 2 nhát dao và qua đời. Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn, nhưng tôi không thể để gia đình thất vọng nữa, tôi không thể đặt mình vào tình trạng này thêm lần nào. Trước đó, tôi chỉ là một cậu nhóc chưa trải sự đời. Có lẽ mọi người không để ý, nhưng tôi luôn mang súng theo mình suốt 2 năm sau đó".
Người ta nói thời gian chữa lành mọi vết thương, nhưng không nói rằng thời gian sẽ xóa đi mọi vết sẹo. Vụ tấn công đã hoàn toàn thay đổi tâm lý của Paul Pierce. Ông bị trầm cảm và bị chứng hoảng loạn. Sau đó, thậm chí có những kẻ ác độc còn gửi lời dọa giết đến tận nhà Pierce.
"Tôi thực sự bị hoang tưởng, tôi không hề muốn đi bất cứ đâu. Cảnh sát ngồi canh giữ trước cửa nhà tôi trong vòng 4 tháng liền,24/24. Tôi không còn đến gần đám đông được nữa. Nếu đến chỗ đông người, tôi sẽ bắt đầu run rẩy trong thâm tâm. Nếu ai đó đụng vào tôi khi đang đi bộ, tôi sẽ trở nên hoảng loạn".
"Tôi gần như không thể ngủ được sau vụ đó. Tôi hay tỉnh dậy giữa đêm. Tất cả những gì tôi muốn làm là đi đến phòng tập và trở về nhà. Vụ tấn công thay đổi tất cả, tôi không biết mình phải đi đâu về đâu, phải tin tưởng ai. Bạn phải hết sức cẩn thận. Khi ấy, tôi chỉ muốn giết chết ai đó thôi. Tôi hoàn toàn mất phương hướng".
"Chúng tôi là những vận động viên, và chúng lấy các vận động viên làm mục tiêu tấn công. Các bạn thấy các rapper bị giết hại rồi đấy. Những người nổi tiếng sẽ là mục tiêu tấn công, đặc biệt là khi đó là người Mỹ gốc Phi. Tôi chưa từng nghe điều tương tự về các nền văn hóa khác. Những người da màu chúng ta ghét bỏ nhau, và đó là điều đáng xấu hổ".
Nỗi sợ hãi nhanh chóng biến thành chứng trầm cảm, và phải mất nhiều năm Paul Pierce mới có thể trở lại cuộc sống bình thường. Những cuộc nói chuyện với các thành viên trong gia đình giúp ích rất nhiều cho ông. "Tôi nhận ra rằng mình cần phải làm điều này sớm hơn. Tôi sẽ nói điều này với bất cứ ai cần giúp đỡ. Trầm cảm thật tệ hại và tôi không bao giờ muốn trải qua giai đoạn đó lần nữa".
Trái bóng cam là tất cả
May mắn thay, số 34 của Boston Celtics vẫn còn có thể tin tưởng vào trái bóng cam. "Tôi chuyển hóa tất cả những nguồn năng lượng xấu ấy vào bóng rổ. Mọi người biết đấy, bóng rổ là lĩnh vực của chúng ta mà. Đã vào phòng tập, chúng ta không còn nghĩ ngợi gì nữa. Mọi vấn đề về tình cảm, gia đình, tài chính, mọi thứ đều nằm ngoài cửa sổ hết".
Vụ tấn công tại hộp đêm diễn ra chỉ 1 tháng trước khi mùa giải 2000-01 diễn ra và tưởng chừng như Paul Pierce sẽ phải bỏ dở, ít nhất một phần, mùa giải. Tuy nhiên, hàng chục, hàng trăm giờ tập luyện đã mang tới kết quả không ai ngờ.
Tiền phong phụ sinh năm 1977 trở thành cầu thủ duy nhất của Boston Celtics mùa ấy xuất phát trọn vẹn 82 trận trong cả mùa giải. Không chỉ thành công trong việc có mặt trên sân, ông còn có được những thông số cao nhất kể từ năm tân binh với trung bình 38 phút, 25,3 điểm, 6,4 rebound, 3,1 kiến tạo mỗi trận và đạt hiệu suất ném rổ 45,4%.
Mùa giải tiến bộ đột phá của ông được tưởng thưởng với danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất tháng 3, khi ông ghi trung bình 30,3 điểm. Và đó cũng là năm mà Pierce thả 42 điểm vào rổ của LA Lakers trước sự truy cản của Kobe Bryant. Sau trận đấu ấy, Shaquille O'Neal đã đặt biệt danh "The truth" cho ông.
"Tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ trận đấu nào. Nếu có ai đó bảo tôi phải Load Management, tôi sẽ nói họ đừng hòng bắt tôi ngồi xuống. Thi đấu cả một mùa giải không phải là điều dễ dàng. Bạn chắc chắn sẽ dính những chấn thương. Không ai chơi đủ 82 trận mà vẫn lành lặn hết".
Chỉ riêng việc trở lại với bóng rổ chuyên nghiệp sau khi bị tấn công tới mức cận kề cái chết cũng đủ để biến Paul Pierce trở thành một tấm gương lớn. Nhưng ông còn làm được nhiều hơn thế. Mùa 2000-01 chính là cánh cửa mở ra những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp, với 10 lần lọt vào đội hình All-star, 4 lần lọt vào đội hình tiêu biểu All-NBA, chức Vô địch cùng danh hiệu Finals MVP 2008.
Có thể Paul Pierce chưa thể ngồi chung mâm với nhiều huyền thoại khác trong lịch sử NBA, nhưng chắc chắn nghị lực và ý chí quật cường của ông không hề thua kém bất cứ ai.