Vì sao cầu thủ bị NBA đào thải lại được người Trung Quốc dựng tượng, xây bảo tàng?
Theo thời gian, những cầu thủ NBA tìm đến Trung Quốc ngày càng nhiều. So với giải bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh, CBA thua kém về mọi mặt, tuy nhiên đó là nơi tuyệt vời nhất để các cầu thủ bên kia sườn dốc sự nghiệp tìm nơi "dưỡng già".
Kẻ đến người đi, có thành công và cả thất bại, nhưng Stephon Marbury có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất. Theo lời cầu thủ sinh năm 1977 này, anh tìm thấy quê hương thứ hai của mình chính là Trung Quốc, nơi Marbury được bình chọn là công dân kiểu mẫu và thậm chí còn được dựng tượng, xây bảo tàng mang tên anh.
10 pha bóng ấn tượng nhất của Marbury tại NBA
Trở lại năm 1996, thời điểm Stephon Marbury được Milwaukee Bucks lựa chọn ở lượt pick thứ 4 vòng 1 NBA Draft. Anh được trade tới Minnesota Timberwolves, trong khi Ray Allen (người sau này trở thành huyền thoại Hall of Fame) là người ra đi theo chiều ngược lại.
Nói một cách công bằng thì Marbury là chàng tân binh được cả NBA đánh giá rất cao, thời đại học người ta thậm chí đặt cho anh biệt danh "Starbury" để nói về khả năng "gánh team" đặc biệt của hậu vệ này.
Sau 13 năm thi đấu tại NBA trong 5 màu áo khác nhau, Marbury có con số thống kê ấn tượng với trung bình 19,3 điểm - 7,6 assist - 3 rebound mỗi trận, thế nhưng màn trình diễn đó không nói lên nhiều điều.
Trong bảng thành tích của mình, cầu thủ cao 1m88 chỉ có 2 lần góp mặt tại All-Star và 5 lần đưa đội bóng của mình vào tới Playoffs. Ở tuổi 31 Marbury tuyên bố anh vẫn có thể thi đấu đỉnh cao 10 năm nữa, thế nhưng những gì hậu vệ này thể hiện trên sân ngày càng đi xuống.
Marbury dần bị đào thải khỏi NBA, sau khi từ chối mức lương tối thiểu anh quyết định ra đi tìm miền đất hứa tại Trung Quốc. Và với một giải đấu có chất lượng chuyên môn thấp hơn hẳn, Marbury nhanh chóng làm mưa làm gió.
Nếu như năm cuối khoác áo Celtics, Marbury chỉ có trung bình 3,8 điểm - 3,3 assist - 1,2 rebound thì 1 năm sau đó, cũng là năm đầu thi đấu tại CBA con số này là 29,5 điểm - 9,5 assist - 5,9 rebound.
8 năm thi đấu tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Stephon Marbury mang về những danh hiệu cao quý nhất của CBA với 3 chức vô địch, 6 lần góp mặt tại All-Star, 1 MVP Finals, 1 MVP All-Star.
Dẫn dắt Beijing Ducks mang về 3 chức vô địch CBA khiến anh trở thành người hùng trong mắt người dân thành phố. Năm 2016, Stephon Marbury vinh dự góp mặt trong danh sách 10 công dân tiêu biểu thành phố Bắc Kinh, anh thậm chí được dựng tượng trước cửa nhà thi đấu!
Không dừng lại ở đó, người Trung Quốc còn lập một bảo tàng mang tên Marbury dài 5km ở Quảng trường Thiên An Môn để trưng bày toàn bộ kỷ vật mà Stephon Marbury đã sử dụng trong sự nghiệp, từ áo đấu, phụ kiện và huy chương.
Ngoài ra, một vở nhạc kịch kinh điển cũng được người Trung Quốc dựng lên để nói về cuộc sống của Stephon Marbury. Bản thân Marbury cũng từng đóng vai chính trong bộ phim My Other Home, bộ phim Trung Quốc dựa trên cuộc đời của cầu thủ này.
Stephon Marbury là người ngoại quốc hiếm có nhận được thẻ xanh Trung Quốc. Đây là một đặc quyền mà ít ai có được, theo thống kê ở Trung Quốc có không quá 100.000 người ngoại quốc được cấp thẻ xanh, và Marbury là vận động viên thể thao duy nhất.
Trong mắt người dân Bắc Kinh, Marbury còn hơn một ngôi sao. Rất nhiều nhà hàng, quán cafe chụp ảnh và trưng bày hình ảnh của Marbury khi anh ghé qua, từ trẻ nhỏ tới người già đều mong muốn có được chữ ký của hậu vệ này.
Từ một cầu thủ bị đào thải khỏi NBA, Marbury giờ đây được cấp thẻ xanh cư trú vĩnh viễn tại Trung Quốc, trở thành công dân kiểu mẫu, được dựng tượng và có một cuộc sống khiến hàng tỷ người ao ước.
Sau khi giải nghệ, anh vẫn đang tận hưởng một cuộc sống màu hồng, ngoài việc đảm nhiệm vị trí HLV Beijing Royal Fighters, Stephon Mabury là gương mặt quảng cáo của một loạt nhãn hàng lớn tại Trung Quốc, giúp anh sở hữu khối tài sản kếch xù.
Tấm gương mang tên Marbury vì thế cũng trở thành một phần lý do để các cầu thủ nước ngoài tìm đến Trung Quốc ngày càng nhiều!