Những môn MMA tồn tại trước thời Lý Tiểu Long
Trước hết, không thể phủ nhận rằng Lý Tiểu Long là một người có kiến thức chuyên sâu về võ thuật và đã có những nghiên cứu giúp ngành võ thuật phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, một điều cần phải khẳng định rõ đó là Lý Tiểu Long không phải là người khai sinh ra võ tổng hợp.
Việc kết hợp nhiều môn võ tập trung vào các mảng khác nhau để tăng thêm hiệu quả trong chiến đấu đã tồn tại từ rất lâu. Sau đây sẽ là những môn võ tổng hợp trước thời Lý Tiểu Long nhưng đã bị nhiều người lãng quên.
Pankration
Nếu có môn võ nào xứng đáng được xem là môn MMA đầu tiên thì đó chính là Pankration. Pankration có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ và tên của bộ môn này dịch sang tiếng Việt có nghĩa là "đánh toàn lực". Pankration là sự kết hợp giữa Boxing, vật tự do, các kĩ thuật đá và những đòn khóa siết.
Luật thi đấu của Pankration rất đơn giản, võ sĩ có thể sử dụng mọi cách hạ gục đối thủ ngoại trừ chọc mắt, cắn và đánh hạ bộ. Có thể thấy rằng bộ luật của Pankration đã trở thành nguồn cảm hứng của các sự kiện UFC thời kì đầu. Pankration cũng đã từng là một nội dung thi đấu trong các sự kiện Olympic cổ đại, tiếc thay môn thể thao này đã không được đem vào Olympic hiện tại vì có phần hơi bạo lực.
Pankration hiện đã có liên đoàn thi đấu chuyên nghiệp mang tên Modern Fighting Pankration. Ngoài ra, một vài võ sĩ MMA nổi tiếng cũng đã từng luyện tập môn võ có nguồn gốc Hy Lạp, trong đó phải kể đến Demetrious Johnson, Ali Bagautinov và vô địch UFC Lightweight Khabib Nurmagomedov. HLV của Demetrious Johnson, Matt Hume, là người sáng lập lò võ AMC Pankration Washington. Đây cũng là nơi luyện tập của cựu vô địch ONE Championship Bibiano Fernandes và cựu vô địch UFC kiêm phó chủ tịch ONE Championship Rich Franklin.
Tại Nhật Bản, giải đấu Pancrase, một trong những giải đấu MMA đầu tiên trên thế giới cũng đã được tạo ra với nguồn cảm hứng từ Pankration. Huyền thoại UFC Bas Rutten đã từng vô địch giải đấu này.
Bartitsu
Được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1898 - 1902, Bartitsu là môn võ thuật tổng hợp có nguồn gốc tại nước Anh. Cha đẻ của bộ môn này là ông Edward William Barton-Wright, một người rất đam mê võ thuật tự vệ. Sau một chuyến du lịch đến Nhật Bản và có dịp học hỏi bộ môn Jiu Jitsu từ Jigoro Kano (người khai sinh môn võ Judo), ông Edward William Barton-Wright đã trở về nước Anh và tạo ra môn võ Bartitsu (tên của môn võ này là sự kết hợp giữa tên ông - Barton và tên của môn võ Jiu Jitsu).
Bartitsu ban đầu là sự kết hợp giữa Jiu Jitsu và vốn kỹ thuật Boxing của Barton-Wright, tuy nhiên về sau ông đã kết hợp thêm các kỹ thuật của vật tự do, Savate (Kickboxing của Pháp) và các đòn đánh tự vệ bằng gậy đi bộ. Để có thể quảng bá môn võ này rộng rãi, ông Barton-Wright đã thành lập câu lạc bộ Bartitsu đầu tiên tại London.
Đoạn clip demo các kỹ thuật của Bartitsu.
Cách hoạt động của CLB này có phần rất giống các lò tập MMA ngày nay, hàng tháng, ông Barton-Wright đã mời các võ sư có tiếng từ khắp nơi trên thế giới để dạy sở trường của họ. Những cái tên phải kể đến đó là Yukio và Kaneo Tani (2 anh em cùng là võ sư Jiu Jitsu), Seizo Yamamoto (Jiu Jitsu), Pierre Vigny (Savate và võ gậy) và Armand Cherpillod (vật tự do).
Trong văn hóa đại chúng, Bartitsu được biết đến là môn võ của Sherlock Holmes (tuy nhiên Sherlock Holmes trong phim của Robert Downey Jr. không hề sử dụng Bartitsu mà thay vào đó là Vịnh Xuân), nhân vật Galahad (thủ vai bởi Colin Firth) trong phim Kingsman: The Secret Service cũng đã sử dụng kĩ thuật Bartitsu trong phân cảnh đánh nhau tại quán bar. Nhân vật Mokichi Robinson trong bộ anime/manga Kengan Ashura cũng là một võ sĩ Bartitsu.
Vale Tudo
Về cơ bản, Vale Tudo không hẳn là một môn võ mà là một thể thức thi đấu, thế nhưng thể thức thi đấu Vale Tudo đã khiến cho nhiều võ sĩ phải luyện tập thêm các kỹ thuật của các môn võ khác.
Các trận đấu Vale Tudo tồn tại từ những năm 1920 và thường xuyên được tổ chức tại các buổi lễ hội hoặc bên cạnh các rạp xiếc ở Brazil. Dù Vale Tudo trong tiếng Việt có nghĩa là "Không luật lệ", các võ sĩ vẫn không được phép cắn, chọc mắt và đánh hạ bộ. Với việc hầu hết các kỹ thuật đều được phép sử dụng, các sự kiện Vale Tudo đã trở thành nơi mà các võ sĩ Jiu Jitsu thử sức với Capoeira, vật tự do đối đầu với Boxing, Karate so tài với Tán Thủ và nhiều môn võ khác.
Video chi tiết về các kỹ thuật của Vale Tudo.
Để chiến thắng tại các sự kiện Vale Tudo, các võ sĩ đã bổ trợ thêm kỹ thuật từ các môn võ khác để khắc phục điểm yếu của họ. Đây cũng là lúc mà Vale Tudo từ một thể thức thi đấu trở thành một môn võ chính hiệu tương tự như MMA ngày nay.
Đến những năm 1959-1960, Vale Tudo đã có phần nổi tiếng hơn có sự xuất hiện của các thành viên gia đình Gracie (gia đình có công giúp giải đấu UFC phát triển trong thời gian đầu). Tuy nhiên, vì bộ luật của môn võ này quá thô sơ và bạo lực, Vale Tudo chỉ có thể tổ chức tại những sự kiện nhỏ, không được phát sóng trên truyền hình cho đến khi UFC tồn tại.
Kết luận
Với việc đã có đến 3 môn võ tổng hợp (và có thể là còn nhiều môn nữa chúng ta chưa biết đến) tồn tại trước thời Lý Tiểu Long, vì sao chủ tịch Dana White và các võ sĩ UFC lại tuyên bố Lý Tiểu Long là cha đẻ của MMA?
Để giải đáp điều này, chúng ta phải hiểu rằng vào cuối những năm 1990 và đầu 2000, MMA vẫn còn là một khái niệm rất lạ đối với người Mỹ. UFC thời kì đầu rất cần khán giả để tồn tại và nếu giải UFC quảng bá thể thức thi đấu bằng cách liệt kê những cái tên nổi tiếng trong làng võ mà phần lớn khán giả không biết đến, UFC sẽ khó mà có người xem.
Thay vào đó, nếu UFC quảng bá theo hướng "Thể thức thi đấu được tạo ra bởi Lý Tiểu Long", chắc chắn đại đa số khán giả sẽ đón xem khi nghe thấy tên của huyền thoại võ thuật và điện ảnh. Đây là một hướng đi rất thành công của UFC và cũng vì điều đó mà cho đến nay, vẫn rất nhiều người nhầm lẫn rằng Lý Tiểu Long là cha đẻ của MMA.