"Cỗ máy" đào tạo ngôi sao thể dục dụng cụ của Trung Quốc: Bớt khắc nghiệt khi mục tiêu càng cao!
Có được cơ hội tiếp cận hiếm hoi với các trung tâm huấn luyện thể dục dụng cụ của Trung Quốc trong 4 năm qua, các phóng viên quốc tế đã ghi lại cuộc đời của trẻ em và các vận động viên trẻ đang được mài dũa để giành vinh quang Olympic cho đất nước.
Dưới biểu tượng kép của lá cờ Trung Quốc và nhẫn Olympic tại phòng tập thể dục của trường Li Xiaoshuang - cái nôi của những vận động viên thể dục thể thao ưu tú của nước này, hai cậu bé loắt choắt đang lủng lẳng trên xà cao.
Ở một góc khác của phòng tập, những đứa trẻ khoảng 4 tuổi đang giữ tư thế trồng cây và trồng cây chuối dưới sự giám sát của các huấn luyện viên tại trường thể dục nổi tiếng nằm tại Xiantao, phía tây Vũ Hán.
Các em bé này thuộc nhóm những tân binh mới nhất được tuyển vào hệ thống thể thao nhà nước nổi tiếng đòi hỏi khắt khe của Trung Quốc. Hệ thống đào tạo hành xác này đã thu hút mối bận tâm từ rất nhiều nhà phê bình, nhưng cũng đã đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia thành công nhất tại Olympic.
Và bất chấp những hình ảnh khắc nghiệt vẫn đang diễn ra qua từng buổi tập, các lãnh đạo trường Li Xiaoshuang khẳng định bây giờ, trọng tâm huấn luyện là tạo niềm vui cho trẻ em trên tinh thần đem đến "môn thể dục vui vẻ" hơn là nỗi ám ảnh bởi những tấm huy chương như ngày trước.
"Hiện tại chúng tôi đã cảm thấy thoải mái hơn. Trước đây, chúng tôi chắc chắn hy vọng sẽ sản sinh ra nhiều nhà vô địch", phó hiệu trưởng Liu Fen nói. "Nhưng hiện nay, xã hội và tư duy của con người đang thay đổi, nên phương thức đào tạo của chúng tôi cũng thay đổi theo".
Dù vậy, Olympic Tokyo 2020 vẫn là mục tiêu tối cao cho nhiều năm đào tạo các vận động viên thể dục hàng đầu mới nhất của Trung Quốc. Áp lực phải thành công rất cao, sau khi đội tuyển thể dục dụng cụ của Trung Quốc không thể giành huy chương vàng tại Rio 2016, chỉ 8 năm sau khi họ thống trị tại Olympic trên sân nhà ở Bắc Kinh.
Vì vậy mà tại trung tâm huấn luyện quốc gia ở thủ đô Bắc Kinh, lá cờ Trung Quốc trang trí một bức tường cùng với biểu ngữ đỏ có nội dung: "Chiến thắng Olympic Tokyo".
Thỉnh thoảng, các vận động viên thể dục hàng đầu Trung Quốc tạm dừng tập luyện chỉ để xem lại màn trình diễn của họ trên máy tính bảng, hoặc nhấp từng ngụm từ chai nước.
Họ hầu như không được phép phạm sai lầm. Nếu không hoàn thành bài tập như mong đợi, họ phải cúi đầu xin lỗi huấn luyện viên của mình. Và mỗi màn trình diễn tồi sẽ bị trừng phạt bằng việc tập thêm tạ vào cuối ngày tập luyện dài đằng đẳng.
Khi còn trẻ, những niềm hy vọng vàng tại Olympic của Trung Quốc đều có cuộc sống giống những em bé đang tập luyện ở Li Xiaoshuang. Ngoài những giờ học bình thường, mục tiêu chính là những bài tập vào buổi chiều trong phòng tập thể dục lớn.
Trẻ em được đặt trong tư thế duỗi người thật dài và chống tay vào thiết bị tập thể dục, hoặc đặt hai chân vào một cái xô treo trên cao để luyện tập các động tác nhảy ngựa. Vào ban đêm, bọn trẻ ngủ trên giường tầng trong ký túc xá. Hai người dùng chung đệm trên cùng, hai người ở giường dưới.
Sau khi các bậc cha mẹ ngày càng phản đối việc bắt buộc con cái của họ phải tập luyện vất vả, quan điểm đào tạo có những dấu hiệu thay đổi. "Nếu luôn theo mô hình đào tạo cũ để giảng dạy thì không hiệu quả", phó hiệu trưởng Liu giải thích.
Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là phương pháp đào tạo khắc nghiệt ngày trước có trở lại, nếu TDDC Trung Quốc tiếp tục thất bại tại Olympic Tokyo 2020?