Hoạt động của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao Thái Lan với sự tham gia như thế nào của những tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp?
* Trước hết, Tiến sĩ Huỳnh Trí Thiện - ngành Quản lý Thể thao thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) - có thể cho biết tại Thái Lan, các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao muốn thành lập cần những điều kiện nào và có được chính phủ hỗ trợ tài chính hay không?
- Theo quy định thành lập Hiệp hội / Liên đoàn thể thao của Thái Lan thì các Liên đoàn / Hiệp hội thể thao có quyền tự do thành lập và điều hành. Tuy nhiên các cuộc bầu cử phải được tiến hành thành các nguyên tắc, trong đó Tổng Cục Thể thao Thái Lan (SAT) là cơ quan nhận đăng ký cho các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao cũng như giám sát hoạt động bầu của của các Liên đoàn / Hiệp hội thể thao. Trước đây, nhân sự của các Liên đoàn / Hiệp hội thể thao phải được Bộ Nội vụ Thái Lan thông qua, tuy nhiên hiện nay quy định này đã được bãi bỏ.
Để các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao hoạt động hiệu quả, ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch thường là các VVIP như chính trị gia, các lãnh đạo / nguyên lãnh đạo ở các bộ ngành hay doanh nhân ở các tập đoàn kinh tế. Ví dụ như Tướng Somyot Poompunmuang – nguyên Cảnh sát trưởng Hoàng gia Thái Lan – hiện đang là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT), ông Somporn Chaibangyang – Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan – là Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Thái Lan (TVA) trong hơn 20 năm qua, hoặc TS. Sakchye Tapsuwan – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể thao Thái Lan – đang là Chủ tịch Liên đoàn Muaythai Thế giới (IFMA).
Hàng năm, các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao sẽ có những nguồn kinh phí hoạt động chính từ Tổng Cục Thể thao Thái Lan (SAT), Quỹ Phát triển thể thao Thái Lan và kinh phí vận động và quyên góp từ các thành viên, các nhà tài trợ và mạnh thường quân của Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao. Vì khoản kinh phí hỗ trợ từ SAT nên lãnh đạo của SAT sẽ không tham gia các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao để tránh những xung đột về lợi ích, cũng như ảnh hưởng đến sự giám sát công tâm từ các ban kiểm sát của SAT.
* Các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao ở Thái Lan có được xây dựng bài bản không, hoạt động độc lập hay chỉ là cánh tay nối dài của Bộ Thể thao và Du lịch?
- Đối với những Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao lớn hay là những môn thể thao Olympic thì các ban bệ sẽ rõ ràng và chuyên trách vì phải phối hợp hoạt động với các liên đoàn châu lục hoặc thế giới thường xuyên. Ngoài ra, vì là những môn thể thao mũi nhọn; do đó, ngân sách của SAT sẽ hỗ trợ nhiều cho các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao này dẫn đến hoạt động giám sát sẽ chặt chẽ hơn.
Tuy vậy, các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao ở Thái Lan vẫn có những tính chất hoạt động khá độc lập và có chính kiến. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử Liên đoàn Bóng đá Thái Lan năm vừa rồi, có thông tin là SAT có những chỉ đạo liên quan đến nhân sự cho FAT. Tuy nhiên, việc này lập tức bị FIFA gửi thông báo “tuýt còi” cũng như những cảnh báo sẽ cấm bóng đá Thái Lan tham gia các giải quốc tế. Do đó, tại cuộc bầu cử Chủ tịch FAT năm 2020, SAT vẫn chỉ giữ vai trò giám sát độc lập.
* Vai trò chính của các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao ở Thái Lan hiện nay như thế nào, cả đối nội lẫn đối ngoại?
- Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao Thái Lan đóng vai trò lớn trong sự phát triển của thể thao Thái Lan ở khu vực, châu lục và thế giới. Một trong những chính sách quan trọng của các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao Thái Lan đó là cử người tham gia vào các Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao châu lục và thế giới để tạo ảnh hưởng cũng như tranh thủ các nguồn lực về chính sách và kinh phí cho sự phát triển của môn thể thao đó ở Thái Lan.
Điển hình là Ông Korn Dabbaransi được ủng hộ để giữ vai trò Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) giai đoạn 2001 – 2005 trong lúc đang giữ vai trò Phó Thủ tướng Chính phủ Thái Lan. Và đây là giai đoạn cầu lông Thái Lan có bước đà phát triển vượt bậc do tranh thủ được những chính sách phát triển của thế giới.
Đối với bóng chuyền, thông qua ông Shanrit Wongprasert – Ủy viên BCH Liên đoàn Bóng chuyền Thế giới (FIVB) – đã tác động để chuyển văn phòng của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) từ thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sang Bangkok (Thái Lan), cũng như thành lập Trung tâm Phát triển Bóng chuyền của FIVB tại Bangkok.
Ngoài ra, thể thao Thái Lan còn có một nhân vật lẫy lừng khác, đóng góp rõ rệt vào sự phát triển của thể thao thế giới. TS. Nat Indrapana – nguyên Thứ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan – là người được vinh dự tham gia vào Ủy viên BCH trọn đời của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từ năm 1990.
TS. Nat Indrapana còn là một trong bảy thành viên quan trọng quyết định các quốc gia thành công trong việc vận động đăng cai các kỳ Olympic. Ông qua đời vào năm 2018. Sau đó, thể thao Thái Lan đã vận động để Khun Ying Patama Leeswadtrakul – Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Thái Lan và là doanh nghiệp nổi tiếng ở Thái Lan – tham gia vào Ủy viên BCH của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từ năm 2017.
* Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có cần phải được phép của Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Thái Lan mới có thể tham gia trực tiếp tổ chức giải đấu, làm sự kiện, thậm chí đào tạo VĐV tại nước này?
- Đối với Thái Lan, quy định cho phép các công ty / doanh nghiệp có chức năng tổ chức sự kiện thể thao được quyền trực tiếp tổ chức các giải đấu thể thao miễn là tuân thủ đúng các quy định pháp luật cũng như luật thể thao Thái Lan. Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao Thái Lan chỉ quan tâm và hỗ trợ những giải đấu nằm trong hệ thống chính thức của quốc gia hay tỉnh / thành.
Tuy nhiên, những giải đấu của các công ty / doanh nghiệp tự tổ chức nếu không báo cáo cho Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao thì sẽ không có được những sự hỗ trợ tốt nhất về trọng tài hay vận động viên trực thuộc cho Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao quản lý. Điều này sẽ làm giảm chất lượng và uy tín cũng như tăng những rủi ro trong khâu tổ chức.
Đối với công tác đào tạo vận động viên cũng tương tự, nếu các công ty / doanh nghiệp không có sự phối hợp tốt với Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao thì cho dù họ có đào tạo ra được những vận động viên xuất sắc thì cơ hội để tham gia thi đấu cọ xát của những vận động viên này ở những trường đấu chính thống ở khu vực, châu lục và thế giới sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân vận động viên.
Tuy nhiên, ở Thái Lan cũng có những môn thể thao mang tính chuyên nghiệp đặc thù như quần vợt, golf hay Muaythai thì có những học viện tư nhân vẫn có thể tự chủ động phát triển lực lượng vận động viên chuyên nghiệp cũng như tự chủ tạo sân chơi thi đấu chuyên nghiệp mà không bị quản lý hay tác động của Liên đoàn / Hiệp hội Thể thao.
>>> Sự thật ”giật mình” phía sau 40 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia
>>>: Bi hài chuyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia
>>>: Bóng rổ phát triển như vũ bão nhưng Liên đoàn bóng rổ vẫn... giậm chân tại chỗ
>>> Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia các nước hoạt động như thế nào?
>>> Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Các Liên đoàn - Hiệp hội đang tụt hậu hàng thập kỷ
>>> Làm gì để “giải cứu” các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia?