Thức ăn vặt ảnh hưởng xấu tới hoạt động thể thao
Với một ít chất dinh dưỡng nhưng lại đi kèm nhiều chất béo và đường, đồ ăn vặt không những giảm năng lượng và khả năng hoạt động của người chơi thể thao, mà còn gây ra một số vấn đề khác cho sức khỏe.
Mới đây, tay vợt nữ số 7 thế giới Garbine Muguruza chia sẻ cô đã thay đổi nhiều chế độ ăn trong thời gian qua: “Tôi đã dừng ăn vài thứ như bột mì, đường hay soda. Tôi không còn ăn quà vặt nữa. Khác hẳn trước đây, khi tôi thích pizza là ăn”.
Muguruza, nhà vô địch Roland Garros 2016, tin rằng dừng ăn đồ ăn vặt giúp cô chữa trị chấn thương bàn chân dai dẳng gần đây: “Nếu gặp vấn đề bàn chân, bạn càng nhẹ cân càng tốt, nhưng đó không hẳn là lý do tôi ngừng ăn đồ ăn vặt. Tôi cảm thấy khỏe hơn với chế độ ăn hiện tại”.
Đó là những cảm nhận của cá nhân Muguruza còn về mặt khoa học, nhiều nghiên cứu đã chứng minh đồ ăn vặt thực sự ảnh hưởng xấu tới cơ thể, nhất là những VĐV trẻ.
Theo nghiên cứu của Clinical Nutrition, người chơi thể thao ở lứa tuổi thanh thiếu niên rất dễ béo phì nếu sử dụng thường xuyên đồ ăn vặt dù có chơi thể thao nhiều tới đâu.
“Chúng ta thường nghĩ có thể bù đắp phần nào chế độ ăn thiếu cân bằng bằng nhiều hoạt động thể chất khác. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy điều đó không đúng”, bác sĩ Idoia Labayen của trường Đại học Basque Country giải thích.
Nghiên cứu này chỉ ra việc sử dụng nhiều đồ ăn vặt khiến cơ thể hấp thụ lớn chất béo và đường, làm chậm quá trình trao đổi chất. Khi quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng, chất béo ngày càng tích trữ khiến cơ thể tăng cân, dễ mệt mỏi và tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và lượng cholesterol cao.
Đáng chú ý, lượng chất béo này không liên quan tới hoạt động thể chất của người trẻ, nghĩa là dù tích cực chơi thể thao mà vẫn tiếp tục ăn vặt thì sẽ không có tác dụng.
Nhìn chung, đồ ăn vặt khiến chất lượng vận động cơ thể giảm sút. Phần lớn đồ ăn vặt chứa nhiều thành phần nhân tạo để tăng hương vị và màu sắc, trong đó, lượng Monosodium Glutamate (MSG - hay còn gọi là chất điều vị, bột ngọt) là một trong những nguyên liệu chính. Quá nhiều MSG gây đau đầu, nhược cơ, làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể.
Ngoài ra, lượng lớn chất béo chuyển hóa trong đồ ăn vặt là một trong những nguyên nhân gây xơ cứng động mạch, tăng lượng cholesterol trong máu, làm cơ thể dễ mắc các bệnh về tim. Cảm thấy chóng mệt mỏi khi chơi thể thao hay uể oải không rõ lý do có thể là dấu hiệu cho thấy tim có vấn đề.
Do đó, VĐV nói chung và người chơi thể thao nói riêng cần hạn chế tối đa việc sử dụng đồ ăn vặt và thay bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, chứa nguồn protein không mỡ như cá, thịt gà, đỗ và một số loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng…