Xung quanh chuyện 'đếm ngược" ở các kỳ SEA Games
Một trong những “Lễ đếm ngược SEA Games” gây sốc nhất chính là vừa xảy ra gần đây, khi nước bạn Campuchia phát động 1000 ngày hướng đến SEA Games 32.
Phát động sớm như vậy thì trong lịch sử SEA Games và có lẽ ở mọi đại hội thể thao khác, chỉ có Campuchia mới làm.
Tuy nhiên, ý tưởng của Campuchia chưa hẳn là "dị" nhất. Vì chí ít, 1000 ngày vẫn là một cột mốc tròn trịa hướng đến sự kiện nào đó.
Khó "đỡ" nhất phải kể tới SEA Games 25 ở Lào. Bởi lẽ, SEA Games năm đó tổ chức từ 9-18/12/2009.
Thế nhưng BTC lại chọn thời điểm đếm ngược vào ngày 31/12 để tiện thể chúc mừng năm mới. Do đó, lễ năm ấy rất xôm tụ, pháo hoa bay đầy trời, lại còn tổ chức thi Hoa hậu SEA Games.
Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là con số đếm ngược bắt đầu như thế nào?
Ngoài Vientiane 2009 thì tại các kỳ SEA Games khác, BTC hầu như đều nhất trí phải có Lễ đếm ngược thời khắc 1 năm hoặc 365 ngày trước SEA Games.
Việt Nam cũng không ngoại lệ: Vào ngày 15/11/2020, “Lễ đếm ngược SEA Games 31” sẽ diễn ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Chương trình sẽ bắt đầu với các nội dung giới thiệu Logo, Linh vật, Bộ nhận diện và khẩu hiệu chính thức cho kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm sau.
Ngoài ra, lễ đếm ngược cũng chứng kiến hoạt động rước đuốc, nhận cờ, khởi động lễ tuyên truyền cho đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh lễ đếm ngược 1 năm / 365 ngày, các kỳ SEA Games gần đây còn phát sinh thêm lễ đếm ngược 100 ngày như tại Philippines 2019, khi sự kiện khiến giao thông ở các thành phố Angeles và Mabalacat bị đình trệ suốt hàng giờ!
Ý tưởng này được ghi nhận và lưu lại đầu tiên xảy ra tại Malaysia ngày 9/5/2017 lúc chuẩn bị cho SEA Games với sự tham dự của các VĐV, quan chức, nhà tài trợ và tình nguyện viên...
Và cũng nên biết rằng lễ đếm ngược SEA Games còn từng có cột mốc... 50 ngày!
Sự kiện đó xảy ra ngày 11/4/2015 khi khoảng 4000 người Singapore hướng đến SEA Games thông qua một buổi hòa nhạc và một lễ hội thể thao.