Góc chiến thuật: Italia và Thụy Điển vùi dập cảm xúc
Mặc dù tạo nên hiệu suất chiến thuật mạnh mẽ trong trận gặp Bỉ, Italia đã vấp phải rất nhiều khó khăn trước Thụy Điển, vốn bắt nguồn từ chính toan tính của họ.
Italia tiếp tục vận hành sơ đồ 3-5-2 với chỉ một thay đổi (Mattia De Sciglio thế chỗ Matteo Darmian) nhưng đã có sự khác biệt đáng kể về khoảng cách đội hình. Trong khoảng thời gian đầu, khi hàng tiền vệ bị “bỏ quên”, đội quân thiên thanh hiếm khi tỏ ra dễ dàng lưu thông trái bóng một cách hiệu quả.
Với việc hai tiền vệ Emanuele Giaccherini và Marco Parolo chơi dâng cao hơn thường lệ đã vô tình làm cho Daniele De Rossi bị “bỏ rơi” ở phía sau. Khi De Rossi lùi sâu như một trung vệ, có cảm giác rằng Italia đang sử dụng sơ đồ 4-0-6 hòng làm tắc nghẽn những pha lên bóng của Thụy Điển ngay ở phần sân đối phương.
Ý đồ trong việc định hướng hàng tiền vệ đó dựa trên khả năng thực hiện những đường chuyền dài như một công cụ tấn công mạnh mẽ, sử dụng khả năng kiến thiết của Leonardo Bonucci và các đồng đội. Thống kê chỉ ra rằng, sau 2 trận đấu, Italia đã thực hiện tới 128 đường chuyền dài, trong đó dẫn đầu là Bonucci, rồi đến hai hậu vệ khác: Chiellini - 8, Barzagli - 7.
Các đường chuyền vì thế luôn đi theo một con đường chạy thẳng đến phía sau hàng thủ đối phương, nhưng chủ yếu dựa vào việc luân chuyển bóng từ hai cầu thủ chạy cánh. Cả Antonio Candreva bên cánh phải và Alessandro Florenzi bên trái đã hưởng lợi nhờ được Giaccherini và Parolo cung cấp thêm không gian. Tuy nhiên, chiến lược tấn công của Italia không tạo ra mối đe dọa lớn đối hàng thủ Thụy Điển trong suốt trận đấu.
Do hai tiền vệ trung tâm lệch cánh chơi gần với các tiền đạo hơn là De Rossi nên khoảng cách lớn ở khu vực giữa sân đã khiến cho Italia không thể gây ra sức ép cần thiết để xuyên thủng bức tường mà Thụy Điển tạo ra khi những đường lên bóng của họ dễ dàng bị bẻ gẫy.
Trong một số trường hợp, Giaccherini đã di chuyển sang bên trái để chơi cùng vị trí với Florenzi như một cách kéo dãn hàng phòng ngự Thụy Điển, tạo ra tiềm năng thực hiện những đường chuyền dài vượt tuyến. Về lý thuyết, Giaccherini cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động nhưng nó không bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự. Áp lực và tần suất tấn công mà Italia tạo ra còn yếu và kết quả là họ gần như không có cơ hội gây sóng gió cho khung thành đối phương suốt gần cả trận đấu.
Cũng vì do chỉ có De Rossi chơi gần với hàng tiền vệ nhất nên các tiền đạo Thụy Điển có thể tập trung nỗ lực ngăn chặn những đường chuyền hướng đến tiền vệ của Roma. Thế nên, khi De Rossi chủ yếu chỉ phòng ngự hơn là kiến thiết, Italia có rất ít pha tổ chức tấn công bài bản từ phần sân nhà.
Một lý do khác dẫn đến tình trạng bế tắc của hai bên chính là cách luân chuyển bóng theo hình chữ U được Thụy Điển theo đuổi suốt trận đấu. Cả hai tiền vệ trung tâm cũng thường xuyên di chuyển sang hai cánh mà chỉ đơn giản phục vụ cho ý định tập trung bóng ra hai biên. Dễ hiểu là Thụy Điển phải tìm một hướng đi khác nhằm tránh vấp phải bộ ba Barzagli-Bonucci-Chiellini, nhưng chính việc thiếu thâm nhập vào vòng cấm từ trung tâm đã khiến họ thêm bế tắc, dẫn tới kết cục cay đắng là không có nổi sút sút trúng đích nào.
Vấn đề lưu thông bóng của Thụy Điển là cơ hội hoàn hảo cho Italia thực hiện thế mạnh phòng thủ của mình. Rốt cuộc, khi cả hai cùng tỏ ra quá toan tính, Azzurri đã tỏ ra xuất sắc hơn chỉ nhờ một tình huống xuất thần ở cuối trận mà Chiellini, Zaza và Eder phối hợp tuyệt vời đem về bàn thắng quyết định.