Huỳnh Duy Thanh: “Sau IRONMAN 70.3 thế giới, tôi nghỉ chơi thể thao một năm vì…”
Huỳnh Duy Thanh là thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn vận động viên đến Pháp thi đấu đầu tháng 9 này. Lần đầu được ra nước ngoài thi đấu, chàng trai trẻ đã hoàn thành cuộc đua để đời với thời gian 6:14:22.
Huỳnh Duy Thanh trải lòng về cuộc thi 3 môn phối hợp mang tầm cỡ thế giới này và những kế hoạch về cuộc sống của như tình yêu với thể thao.
- Chào Duy Thanh, việc giành quyền tham dự giải IRONMAN 70.3 Vô địch thế giới 2019 có ý nghĩa thế nào với các anh?
IM 70.3 Vietnam 2019 có thể được xem là mùa giải thi đấu chính thức đầu tiên của tôi. Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn, việc giành được quyền tham dự giải IM 70.3 WC 2019 có ý nghĩa vô cùng to lớn với bản thân tôi, điều đó giúp tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục duy trì và nỗ lực hơn nữa trong tập luyện và thi đấu trong tương lai.
- Anh đã lập kế hoạch và tập luyện như thế nào để chuẩn bị tham dự giải đấu này? Trong 3 môn bơi đạp chạy, anh tự tin sẽ thi tốt nhất ở môn nào?
Vì hiện tại tôi vẫn đang học năm cuối của đại học, với chương trình học khá dày đặc để chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp trong năm tới theo đúng kế hoạch nên tôi gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối để lên kế hoạch cũng như tập luyện.
Trong 3 môn thì ĐẠP có lẽ là môn tôi tự tin nhất.
- Theo anh, điều khó khăn/thách thức nhất trong cuộc đua này là gì? Tại sao? Làm cách nào để anh có thể khắc phục, hạn chế nó?
Theo tôi, thách thức lớn nhất ở giải IM 70.3 WC 2019 tại Nice, Pháp chính là lộ trình phần đạp xe, với địa hình rất dốc khi leo và những khúc cua rất gắt và cự kỳ nguy hiểm khi đổ dốc. Pháp nổi tiếng là nơi có địa hình đồi dốc cực kỳ khắc nghiệt (mọi người chắc hẳn cũng đã biết qua giải Tour De France) nên phần đạp sẽ bào mòn sức lực rất khủng khiếp trước khi bước qua phần chạy.
Để phần nào khắc phục, hạn chế điều đó thì tôi nâng khối lượng bài tập đèo dốc (đạp dốc và đổ dốc) nhiều hơn trong các buổi tập đạp nhằm tích lũy thể lực khi leo dốc và nâng cao kỹ thuật xử lý khi đổ dốc. Bên cạnh đó, tôi được tư vấn, hỗ trợ và học hỏi rất nhiều kinh nghiệm bài học từ các anh chị team BOIDAPCHAY (BDC) và team SONCHAVELO (SCVL) của mình.
- Với các vận động viên thì các cuộc đua không bao giờ kết thúc, vậy với Duy Thanh, bạn có ý định tham gia cuộc đua nào sau khi giải IRONMAN 70.3 Vô địch thế giới 2019 chưa?
Sau giải này tôi sẽ tạm hoãn thi đấu trong một năm để tập trung cho giai đoạn bảo vệ luận án tốt nghiệp đại học. Và sau đó, dĩ nhiên tôi sẽ quay trở lại tiếp tục tập luyện cho những mục tiêu tiếp theo. Hy vọng mọi người sẽ luôn đồng hành cùng tôi.
- Công việc thường ngày của anh là gì? Làm sao anh có thể sắp xếp thời gian giữa công việc hằng ngày và luyện tập thể thao?
Hiện tại tôi đang là sinh viên năm cuối đại học Dược, cùng với việc làm thêm là dạy bơi cho trẻ em.
Như đã nói ở trên thì hiện tại tuy gặp khá nhiều khó khăn trong việc cân đối thời gian nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp để có thể đảm bảo duy trì lịch tập luyện và công việc hằng ngày bằng cách tận dụng gần như triệt để quỹ thời gian của mình.
Một ngày của tôi thường bắt đầu khá sớm:
4:00: Thức dậy.
4:30-6:30: Đạp hoặc chạy.
7:15-11:00: Đến trường.
11:30-13:00: Bơi.
14:00-17:00: Đến trường.
17:30-19:30: Dạy.
Và sau đó là nghỉ ngơi. Đôi lúc cũng tùy vào tình hình mà tôi linh hoạt thay đổi cho phù hợp để đảm bảo việc học, việc dạy và tập luyện.
- Trước IRONMAN 70.3 Vô địch thế giới 2019, Thanh đã từng tham gia giải IRONMAN 70.3 hay các cuộc đua 3 môn phối hợp ở các nước khác chưa?
Chưa. Đây là lần đầu tiên tôi được đi nước ngoài và cũng như được đi thi đấu ở nước khác vì vậy nên tôi cực kỳ hào hứng trước chuyến đi này.
- Số lượng các giải 3 môn phối hợp mà anh từng tham gia trong và ngoài nước?
Mới chỉ duy nhất IRONMAN 70.3 Vietnam 2019 ở Đà Nẵng thôi.
- Anh đã chơi 3 môn phối hợp từ khi nào? Cơ duyên nào đưa anh đến với 3 môn phối hợp?
Tôi đến với 3 môn phối hợp một cách rất tình cờ. Cách đây 3 năm (2016), tôi có dịp được làm quen với môn đạp xe từ những anh em trong đội Sonchavelo - SCVL (hiện tại đang là team xe đạp của tôi). Cùng năm đó, tôi tò mò đi tham gia cổ vũ cho giải IM 70.3 Danang vì khi đó giải còn rất mới lạ, và cực kỳ khâm phục trước ý chí của các vận động viên dưới điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt.
Không ngờ từ sau lần ấy, trong đầu mình lại nhen nhóm ý nghĩ sẽ thử tập luyện và tham gia thi đấu xem sao. Từ giữa năm 2018 thì tôi bắt đầu tập luyện cho 3 môn phối hợp cũng như đăng ký thi đấu giải IM 70.3 Vietnam 2019 này và may mắn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các anh chị thuộc team SCVL và team BDC (Boidapchay).
- Theo anh, tại sao phong trào chơi 3 môn phối hợp lại phát triển nhanh như vậy tại Việt Nam những năm qua? Điều gì ở 3 môn phối hợp khiến cho ngày càng có nhiều người Việt chơi môn thể thao này?
Theo tôi, phong trào chạy bộ và đạp xe ở Việt Nam trong những năm gần đây phát triển tương đối nhanh nên đó cũng là bàn đạp để thúc đẩy mọi người dấn thân vào hình trình 3 môn phối hợp. Điều mà khiến ngày càng nhiều người quyết định chơi môn này chính là Tính Thử Thách và Sự Thỏa Mãn.
Bạn sẽ có cảm giác từ lâng lâng đến phấn khích tột đột và sau cùng là hạnh phúc vỡ òa sau khi bước qua vạch đích. Các bạn hãy thử đi. Tin tôi, sẽ không hối hận đâu.
- Anh có lời khuyên gì cho những người đang có ý định bước vào thế giới 3 môn phối hợp?
Theo tôi, 3 môn phối hợp là một cuộc hành trình dài hơi và cần phải đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức và tiền bạc một cách nghiêm túc. Các bạn hãy chơi và biến 3 môn phối hợp thành chính niềm đam mê của mình.