Điểm số trong võ thuật, mơ hồ ngay từ quy tắc chấm

chủ nhật 9-2-2020 11:00:00 +07:00 0 bình luận
Khác với bóng rổ, bóng đá - những môn vốn có kết quả rõ ràng được đánh số, điểm số trong võ thuật được tính theo cách phức tạp hơn và mơ hồ hơn.

Mới đây, tại sự kiện UFC 247, Jon Jones đã giữ ngôi vô địch trong một thế trận đầy tranh cãi. Nhiều người còn cho rằng, Dominick Reyes đã bị các giám định cướp đi chiến thắng. Tuy nhiên, rất khó để chỉ trích các trọng tài bởi những lý giải cho chiến thắng của Jon Jones không phải là không có.

Hệ thống tính theo thang 10 điểm

UFC là giải đấu lớn tại Mỹ, thật không quá khó hiểu khi tổ chức này chọn cách chấm 10 điểm quen thuộc từ Boxing - môn võ cũng rất thịnh hành tại xứ cờ hoa. Đến với UFC, hệ thống tính điểm này đã được thay đổi chút ít để có thể phù hợp hơn với thể thức thi đấu bao gồm cả vật, đấm đá và cả khóa siết.

Tuy nhiên, với một bộ luật mở như UFC hiện tại, hệ thống chấm 10 điểm vẫn còn nhiều thiếu sót. Đơn cử nhất là một trong những quy định sau: "Điểm quan trọng nhất trong một trận đấu là điểm vật hiệu quả và strike hiệu quả. Điểm ưu thế chủ động chỉ được tính là phương án B nếu như giám định NHẬN THẤY cả hai võ sĩ cùng ra đòn và đánh vật ngang sức với nhau. Trong khi đó, điểm kiểm soát lồng là phương án tính điểm cuối cùng, khi mà cả hai phương án trên đều không xác định được ai là võ sĩ thắng thế."

Một đoạn trong bộ luật tính điểm của UFC.

Chỉ ngay trong một quy định trên, hệ thống tính điểm của UFC đã cho thấy rất nhiều khiếm khuyết. Đầu tiên phải kể đến rằng, vật như thế nào là sẽ được tính là hiệu quả? Nếu vật đối thủ ngã xuống nhưng không thể giữ được lợi thế thì có điểm hay không? Nếu cả hiệp đấu võ sĩ chỉ vật được đúng một lần duy nhất, nhưng lại giữ được ưu thế takedown trong suốt 3 phút đồng hồ, thì liệu 2 phút gồm vật và chiếm ưu thế đó có giá trị hơn 3 phút sau bị đối thủ áp đảo striking và đánh ngã hay không?

Một câu hỏi hóc búa nữa, nếu như võ sĩ vật thành công nhưng sau đó bị sweep hoặc bị pass guard, thì ai sẽ là người được ưu tiên chấm điểm hơn? Tất cả những câu hỏi đó đều chỉ có thể giải đáp bởi chính người giám định. Những giám định đánh giá yếu tố nào quan trọng hơn thì võ sĩ nhỉnh hơn ở yếu tố đó sẽ giành chiến thắng. Bởi đến cuối cùng, mọi thứ đều phải đi qua sự NHÌN NHẬN của giám định.

Hầu hết các giám khảo MMA thường xuất phát từ Boxing, vì thế không tránh khỏi sai sót về chấm điểm.

MMA Dưới những hệ thống tính điểm khác?

Hệ thống tính điểm nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Lý do gì khiến UFC chọn hệ thống tính điểm 10 point must? Hãy cùng điểm qua những hệ thống tính điểm phổ biến trong võ thuật dưới đây.

1. Tính điểm nhảy số theo từng đòn, từng kỹ thuật

Taekwondo hiện đại còn "số hóa" việc tính điểm bằng các thanh máu như game Tekken.

Đây là khái niệm điểm số đơn giản nhất trong mỗi người hâm mộ võ thuật khi nhắc đến khái niệm chấm điểm. Hệ thống chấm điểm này phổ biến ở các môn võ như Taekwondo, Karate, Judo, BJJ,... Nhìn chung, hệ thống tính điểm này khá rõ ràng và ít gây tranh cãi trừ khi chính các giám định thiên vị võ sĩ.

Dù vậy hệ thống tính điểm này lại đề cao tốc độ hơn sức mạnh và chỉ được quy định một cách chung chung là "đánh đủ lực thì có điểm". Do đó không ít các trường hợp võ sĩ dính đòn nặng nên quyết định dùng chiến thuật vừa đánh vừa chạy tiêu cực chỉ để giành chiến thắng. Bộ luật này cũng gây thiệt thòi cho những võ sĩ có lối đánh thiên về sức mạnh, vốn ra đòn rất ít.

2. Tính theo thang điểm 10 cho toàn trận đấu

Cách chấm điểm này khá giống với cách chấm điểm theo hiệp. Tuy nhiên, hệ thống tính điểm này chỉ làm tốt vai trò là khuyến khích võ sĩ tấn công chứ không đẩy được yếu tố chiến thuật lên cao nhất. Hệ thống tính điểm này không cho võ sĩ cơ hội để sửa sai. Nếu một võ sĩ nhập trận làng nhàng, thì kể cả khi có vực dậy xuất sắc ở cuối trận, anh vẫn sẽ bị xử thua.

Hệ thống chấm điểm này cũng có thể gây ra tác dụng ngược nếu như một võ sĩ thi đấu quá áp đảo trước đối thủ. Nếu nhận thấy bản thân quá áp đảo ở những hiệp đầu tiên, có khả năng võ sĩ đó sẽ từ bỏ tấn công và chỉ chạy chỗ. Nói cách khác, hệ thống tính điểm này không cho kẻ thất thế cơ hội sửa sai và sẽ nhanh chóng hạ nhiệt trận đấu nếu xuất hiện chênh lệch quá sớm.

3. Thang điểm 10 tính theo hiệp

Nhờ thi đấu theo hệ thống tính điểm theo hiệp, Jon Jones có cơ hội gỡ gạc sau những hiệp đầu lép vế.

Là hệ thống tính điểm tối ưu nhất hiện tại cho các môn võ hiện đại như Boxing, Muay Thai, Kickboxing và cả MMA. Hệ thống tính điểm này thỏa mãn được các yếu tố sau đây: Giải quyết được vấn đề thi đấu tiêu cực về cuối trận bởi chênh lệch điểm số của mỗi hiệp thông thường chỉ là 1 điểm. Giải quyết được vấn đề gỡ điểm cho kẻ thất thế, qua đó khuyến khích các võ sĩ ưu thế thi đấu ổn định. Điều quan trọng nhất, vì dựa vào sự nhìn nhận của các giám khảo chuyên nghiệp, thế trận sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn từ ưu thế đến từng cú đánh và áp lực gây ra bởi hai võ sĩ.

Tất nhiên, cũng vì dựa vào sự nhìn nhận của giám định, hệ thống tính điểm này không thể thoát khỏi yếu tố thiên vị. Dù sao, với một giải đấu tầm cỡ như UFC, hệ thống tính 10 điểm theo hiệp là một sự lựa chọn hợp lý.

Khôi Nguyên
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội