Các Hội CĐV ở V.League hiến kế ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng
Những góp ý đã được Hội CĐV của các đội bóng ở V.League đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng.
>>> Pháo sáng nguy hiểm cỡ nào và tại sao cấm đốt trong sân vận động?
>>> Khi vị trí của những CĐV thích đốt pháo sáng không nằm ở sân bóng
Ngay vòng đầu tiên V.League 2018, các CĐV được cho là của Hải Phòng đã khiến BTC sân Hàng Đẫy phải lao đao khi đốt pháo sáng trong trận Hà Nội và Hải Phòng khiến trận đấu bị “vỡ” ở những phút cuối trận. Đây là hành động mang tính thường xuyên trong nhóm những người mặc áo CĐV đất Cảng. Rất nhiều các Hội CĐV trên cả nước không đồng tình với hành động này.
Trần Đình Huy, một CĐV nhiệt thành của CLB TP.HCM chia sẻ: “Việc cổ vũ bằng pháo sáng trên sân thật sự rất cuồng nhiệt và hoành tráng. Và nếu đã cấm thì CĐV và Hội CĐV dù muốn hay không muốn cũng nên chấp hành. Đây là cuộc chơi chung”. Anh còn cho biết: “Hội CĐV CLB TPHCM thống nhất là dùng trống cờ, kết hợp các bài hát cổ vũ truyền thống và pháo điện được BTC cho phép khi đến sân cổ vũ cho các cầu thủ thân yêu”.
Đồng quan điểm này là một thành viên gạo cội của Hội CĐV CLB Sài Gòn, anh Lê Anh Tiến: “CĐV thì tất nhiên là phải cuồng nhiệt nhưng pháo sáng hay thứ gì bị cấm mang vào sân vì gây nguy hiểm thì không nên chơi. Còn nếu vẫn thích pháo thì chúng ta có thể sử dụng pháo điện để thay thế”. Anh Tiến là CĐV khá nổi tiếng khi từng rong ruổi theo đội U20 Việt Nam tham dự U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc. Khi vào sân vận động, anh chỉ dùng mỗi lá cờ Việt Nam để cổ vũ cùng hàng chục ngàn đồng bào khác mà không cần đến pháo điện.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội CĐV HAGL, Võ Hồng Nhân nêu quan điểm: “Chỉ có một vài CĐV quá khích mới đốt pháo sáng. Và trong suy nghĩ của họ có manh nha rồi thì mới đem pháo sáng vào sân. Họ sẵn sàng quậy khi có điều gì xảy ra hoặc lấy bất cứ lý do nào đó để trút hết tính cách ra.
Cơ quan chức năng, những người quản lý sân rất khó để kiểm soát. Tuy nhiên, cần làm mạnh để ngăn chặn hiện tượng này. Ở Thái Lan cũng như một số nước Đông Nam Á, họ dựng nhiều lớp hàng rào an ninh, lục soát 2-3 vòng để phát hiện những vật bằng kim loại. Chúng ta có thể áp dụng điều này ở V.League dù hơi khó khi hầu hết các sân vận động ở khu vực trung tâm thành phố, có ít khoảng đất trống để làm như vậy. Tuy nhiên chúng ta cần làm mạnh để ngăn chặn tình trạng quậy phá, đốt pháo sáng”.
Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch Hội CĐV SHB Đà Nẵng bày tỏ: “Để xảy ra vấn đề này thì BTC cũng cần xem xét lại. Cần đưa ra rõ hình phạt cho các cổ động viên đốt pháo sáng, ví dụ phạt bao nhiêu, phạt như thế nào chứ quy định chung chung thì khó lắm. Chẳng hạn, sân nào đốt pháo sáng thì một quả pháo sáng bao nhiêu tiền.
Nếu xảy ra thì BTC, đội bóng hay Hội CĐV hoặc chính CĐV gây ra phải chịu trách nhiệm. Mong BTC giải đưa ra những quy định, tiêu chí cụ thể để đội bóng hay Hội CĐV quán triệt, ý thức vấn đề này”.
Còn với ông Bùi Minh Hoàng, Chủ tịch Hội CĐV Quảng Nam, thì “việc đốt pháo sáng sử dụng ngoài trận đấu cũng tốt thôi. Tôi nghĩ CĐV Hải Phòng không có chủ trương đốt pháo sáng mà chỉ một vài thành phần quá khích đã gây tình trạng như vậy.
Để giải quyết vấn đề này, mấu chốt là làm việc trên tinh thần tự nguyện, kêu gọi, thuyết phục. Chúng ta nên nhờ các cổ động viên chân chính kêu gọi các cổ động viên quá khích thì dễ đi vào lòng người hơn”.
Video: Top 10 tai nạn do các loại pháo trong những trận đấu trên thế giới.