Café 24h: Cái nhất của nền bóng đá hạng… bét
Nhiều người nghi ngại, nếu trường nào cũng tự phong Giáo sư thì có mà loạn Giáo sư, thậm chí trường hạng bét cũng có thể tự phong cho mình mấy Giáo sư.
Thậm chí có người còn đùa rằng, nếu vậy thì… trường mẫu giáo cũng có thể được phong Giáo sư cho giáo viên của mình. Và biết đâu, thay vì cụm từ HLV quen thuộc, người ta sẽ cho một chức danh mới: Giáo sư bóng đá.
Cũng chẳng phải lo ngại quá đà khi những thứ gọi là danh xưng ở Việt Nam, gắn với bóng đá thì nhiều. Chẳng hạn: “Messi của Việt Nam”, “Ronaldo của Việt Nam”, “Ronaldinho của Việt Nam”; nhưng đấy chỉ là những ngôi sao ở giải bóng đá hạng bét. Nó cũng giống như ngôi trường kia khi muốn phong hàm Giáo sư – nếu được chấp nhận thì phải đi kèm cái đuôi: Giáo sư của trường A, thuộc Bộ B, hoặc ngành C.
Hôm qua, V.League 2015 kết thúc theo cách rất nhạt nhòa. Có lẽ đây chính là đoạn kết nhạt nhất trong lịch sử V.League, tới mức chẳng còn có gì để nói về đoạn kết này.
14-15 năm qua, trong những cái kết V.League trải qua, có buồn vui, có bi tráng, có nghi ngờ nhưng chưa bao giờ nhạt.
Từ lần trao Cúp đầu tiên đầy ẩn khuẩn với dấu hỏi về cái Cúp Vô địch tại sao có mặt ở sân Vinh mà sao không phải là sân Thống Nhất khi 2 đội Nam Định và SLNA có cơ hội như nhau. Hay thậm chí năm 2010 khi HN.T&T lên ngôi bị gán cho cái gọi là chào mừng 1.000 năm Thăng Long – họ cũng có lễ ăn mừng ấn tượng dù sân không nhiều khán giả.
Vòng 26 V.League hôm qua là một đoạn kết mà người ta buộc phải tổ chức. Đã có nhà vô địch, gần như có đội xuống hạng. Vậy mà cầu thủ vẫn cứ phải đá, người ta vẫn phải mất tiền tổ chức cho cái V.League ấy chạy hết vòng cuối cùng.
Chúng ta đôi lúc tự hào với nhau về một giải bóng đá chất lượng hàng đầu khu vực, CĐV nhiệt tình hàng đầu khu vực… Hình như chúng ta đang phong Giáo sư cho nhau để cố được những cái nhất của một giải bóng đá hạng bét.
Ơn giời, V.League hết rồi.
Song An