Café 24h: Đội bóng “nhà người ta”
Nào là “Con nhà người ta thế này…”, “con nhà người ta thế kia…”. Phụ huynh cứ lấy “con nhà người ta” ra để so sánh, dìm hàng “con nhà mình”.
Giờ thì thiên hạ “bỗng nhiên” thích dùng cụm từ “nhà người ta” dùng để “tôn vinh”… hàng xóm nhưng thực tế là chê bai nhà mình. Thậm chí, khái niệm “nhà người ta” còn được nâng lên tầm… quốc gia. Thấy cảnh sát giao thông nước ngoài hành xử đúng mực, “xem cảnh sát nhà người ta”. Thấy xếp hàng ngay ngắn thì nói: “Xem cách ăn ở của… nhà người ta”.
Mới rồi có câu chuyện anh chàng sẵn sàng ăn mì tôm để mua cho vợ 2 thỏi son Christian Louboutin cực đẹp, điều đáng nói, đó là những thỏi son loại đắt nhất thế giới.
Vậy là xuất hiện khái niệm “chồng nhà người ta”, các bà các chị thi nhau xuýt xoa giá như có được “chồng người ta” quan tâm, chăm sóc. Thế nhưng có lẽ quá lóa mắt với thỏi son mà các chị em quên mất khái niệm “mì tôm” trong câu chuyện.
Hội chứng “nhà người ta” đã lan đến bóng đá. U.19 VN thua U.19 Thái Lan 0-6, đó là một cú sốc. ĐTVN thắng mà như… thua trước Đài Loan (Trung Quốc), ấy là cú sốc thứ hai.
Dường như có gì đó mang tính phán xét rất cảm tính. Dù rằng “bóng đá nhà người ta” như Thái Lan có những điểm ưu việt, nó xuất phát từ ý thức, kinh tế – xã hội Thái Lan như bàn đạp, bệ phóng cho bóng đá phát triển nhưng cũng không có nghĩa là cái gì của Thái cũng hơn của ta.
Chấp nhận cái gì cũng kém, cũng thua “con nhà người ta” là tâm lý có phần… tiểu nông, không dám nhìn lên phấn đấu.
Kiatisak là HLV “nhà người ta” và chắc chắn là nhiều NHM Việt Nam mong muốn bầu Đức làm điều gì đó mang “Sắc” về cho BĐVN, đặt ngay vào ghế HLV trưởng và chờ ĐTVN “cất cánh”.
Hôm qua, có người lập luận rằng, việc BĐVN cứ tụt hậu không phải là do không có HLV giỏi mà do quá thiếu sự ổn định, tạo niềm tin và thời gian cho các HLV làm việc. Thay HLV Miura thì khó nhưng không phải không thể. Vấn đề ai thay và liệu thay rồi có đảm đương được việc hay không? Hay lại thuê, lại thấy “không bằng nhà người ta”, lại thay…
Nhìn “nhà người ta” với sự thèm thuồng về thỏi son thì cũng đừng quên 2 chữ “mì tôm”, bởi ngay nhà mình, hóa ra là “cơm có thịt” mà vẫn bị coi thường.
Song An