Café 24h: Kiếm tiền & tiêu tiền
Thật ra đây chỉ là một trong chuỗi thâu tóm doanh nghiệp Việt của tỷ phú người Thái. Ngay từ khi vào thị trường Việt, khi đi thâu tóm doanh nghiệp, các tỷ phú Thái Lan ưu tiên ngành bán lẻ. Kết quả là phần nào các doanh nghiệp rơi vào tay tỷ phú Thái đa phần đều thuộc ngành này. Đáng nói tập đoàn Central Group của tỷ phú Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan, thâu tóm thành công hệ thống siêu thị điện máy Pico của Việt Nam.
Trước đó, Central Group cũng nhận được nhiều sự chú ý lớn khi mua lại 49% cổ phần của Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim với hệ thống 21 siêu thị điện máy trên cả nước. Năm 2014, môt tỷ phú Thái Lan khác là ông Charoen Sirivadhanabhakdi suýt thực hiện được một thương vụ “khủng” nhất ngành bán lẻ Việt Nam, đó là mua lại Metro Việt Nam.
Tuy nhiên, thương vụ này sớm đổ bể dù ông này cũng thâu tóm thành công chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam…
Người Thái sang Việt để… đầu tư và kiếm tiền. Giống như câu chuyện Kiatisak cách đây gần 15 năm lặn lội sang Việt Nam, gia nhập HA.GL với mức lương khủng cùng những Dusit, Tawan coi V.League như “miền đất hứa” và tiếp theo là những cầu thủ khác đến Việt Nam để đá bóng kiếm tiền ở “miền đất hứa”.
Nói như thế để thấy người Thái nhanh nhẹn cho đến khi họ nhận ra những hào nhoáng của V.League thực tế chỉ là con bò bị vắt khô sữa.
Còn chúng ta thì sao? Thật sự người Việt khi muốn đến Thái Lan chỉ để… tiêu tiền: du lịch, tới Pataya xem sexshow…
Nó cho thấy 2 tâm thế khác hẳn: Người Thái đến Việt để kiếm tiền còn người Việt đến Thái để tiêu tiền, dù mức sống dân Thái cao hơn Việt Nam.
Tưởng là nghịch lý nhưng đó là yếu tố quyết định sự thành công của một nền bóng đá.
Vì Thái Lan có tư duy bóng đá kiếm tiền nên họ tìm đủ mọi cách kiếm tiền: Kêu gọi CĐV đến sân, tạo cơ chế thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, biến mỗi trận đấu thành lễ hội. Với tư duy kiếm tiền, mỗi cầu thủ Thái thi đấu và luyện tập rất chuyên nghiệp, thi đấu cũng chuyên nghiệp bởi họ nghĩ chỉ cần một vài trận đá dở là túi tiền của họ bị ảnh hưởng.
Còn ở ta là tâm lý tiêu tiền: Đội bóng là của ông chủ, thoải mái đá mà không cần quan tâm tới NHM cảm nhận thế nào. VFF, VPF cũng chỉ tính kế tiêu tiền chứ không thấy có chiến lược phát triển để kiếm tiền và sống khoẻ nhờ tiền kiếm từ bóng đá.
Từ tư duy ấy dẫn đến tụt hậu. Nó lý giải vì sao cũng là nhà tài trợ Toyota nhưng giải Thái League kiếm tới vài trăm tỷ tức là gấp 10 lần khoản tiền nhà tài trợ rót vào V.League.
Bởi bắt tay với những người muốn kiếm tiền thì ta có cơ hội có tiền, còn bắt tay với những người muốn tiêu tiền thì chỉ có thể mất thêm.
Song An