Chân sút Phan Công Thuận và câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Bị gán là “đứa con hư”
Phong Xuân là xã có phong trào TDTT phát triển mạnh và có quy mô của huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Hằng năm, địa phương luôn tổ chức các giải bóng đá, sân bóng tràn ngập các thôn. Thế nên, tuổi thơ của Thuận gắn chặt với cánh đồng cùng những bãi cỏ xanh mướt.
Cứ thành thông lệ, sau khi cắp cặp về nhà, Thuận lại dắt trâu ra đồng. Mặc cho trâu thoải mái gặm cỏ, cậu bé cùng mấy đứa bạn trong xóm quần nhau với trái bóng bằng rơm rạ, ni lông. “Nó mải chơi bóng đến nỗi trâu đi ăn lúa, ăn khoai, sắn,… nhà người ta thế mà cũng không biết. Thế là, cứ vài ngày một lần chúng tôi lại phải đền tiền cho hàng xóm”, ông Phan Công Luận, bố cầu thủ Công Thuận kể lại.
Nhà còn khó khăn, Thuận thì cứ làm “thiệt hại kinh tế” gia đình như vậy nhưng bản tính của trẻ con, lại đam mê với trái bóng tròn, cậu bé này vẫn chứng nào tật nấy. Như hiểu nỗi lòng của con, bố mẹ không một lời than trách mà luôn đứng sau sẵn sàng đền bù mọi chi phí về hoa màu vì cái tội mải mê chơi bóng của Thuận.
Lên cấp 3, Thuận phải đạp xe 18km để đến trường. Quãng đường xa, lại học buổi chiều nhưng cậu bé này vẫn cứ ở lại đá bóng cùng nhóm bạn rồi mới chịu về nhà. “Ngày nắng thì không nói gì chứ những ngày mưa gió tầm tã, lạnh lẽo mà đến tối khuya nó mới mò về, cả nhà cứ thấp thỏm vì nó”, ông Luận phiền lòng.
Thấy bất ổn và lo cho con, sang năm lớp 11, 12, ông Luận gửi Thuận ở lại nhà bà con ở gần trường. Có điều kiện để thỏa sức đam mê, cứ có thời gian, Thuận lại lăn theo trái bóng tròn và phải đến tối mịt mới chịu về. “Thời gian đầu, bà cô thấy nó cứ về khuya lại tưởng nó trốn đi chơi game nhưng rồi sau này nghe mấy đứa nhỏ xung quanh nói lại mới xua tan ngờ vực bấy lâu. Từ đó, cô luôn tạo điều kiện cho nó chơi bóng; thậm chí, có những ngày cuối tuần nó cũng không về thăm nhà”, ông Luận chia sẻ.
Giấc mơ có thật của sinh viên “phủi”
Có tố chất, lại siêng học, Thuận dễ dàng đậu vào lớp Sư phạm, Khoa Giáo dục Thể chất, Đại học Huế. Gia đình còn khó khăn nên ngay năm đầu, Thuận đã biết tận dụng khả năng của mình để đi kiếm tiền. Hễ bất cứ cơ quan, đơn vị nào thuê, Thuận đều đi đá; dù ở thành phố hay các huyện xa xôi. Ngoài ra, chàng trai sinh năm 1992 này còn đi bắt trọng tài thuê, trông sân cỏ nhân tạo.
Đến năm cuối Đại học, Thuận đã tự chu cấp cho bản thân. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn với chàng trai này khi con đường phía trước khá mịt mù. “Chúng tôi cũng đã thử liên hệ khắp nơi để tìm việc cho con nhưng tất cả đều lắc đầu. Bản thân Thuận khó kiếm được việc khi ra trường. Bởi vậy, chúng tôi nghĩ đến chuyện cho con vào Lâm Đồng làm việc trái ngành để chờ cơ hội làm đúng với sở trường của nó”, bố Thuận không khỏi xót lòng khi nhắc đến công việc cho con trai.
Thế nhưng, tin vui đã đến với Thuận, khi anh được Đồng Tháp ký hợp đồng. “Nghe tin cháu nó được ký hợp đồng đá bóng chuyên nghiệp mà chúng tôi cứ như đang nằm mơ. Có bao giờ gia đình nghĩ một ngày nó sẽ lên đá V.League đâu mà giờ điều không tưởng đó lại thành hiện thực”, ông Luận vui mừng.
“Mừng bao nhiêu thì chúng tôi cũng lo bấy nhiêu vì xuất phát điểm của cháu chỉ từ sinh viên. Thế nhưng, khi nghe HLV Phạm Công Lộc phát biểu trên báo chí rằng ông chấm Thuận vì nhìn thấy khả năng của cháu chứ không phải Đồng Tháp không đủ tiềm lực kinh tế khiến tôi yên tâm phần nào”, ông Luận trải lòng.