Chủ tịch VPF tủi thân vì bản quyền truyền hình V.League bị ghẻ lạnh
Chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến vấn đề bản quyền truyền hình V.League. Một khâu kiếm tiền quan trọng ở bất cứ một giải đấu nào trên thế giới.
>>> Chủ tịch VPF trăn trở: "Làm sao niềm tin cho trọng tài tăng lên?"
>>> VPF thay đổi nhân sự quan trọng sau Đại hội cổ đông
"Tôi đọc báo thấy giải VĐQG của Malaysia bán được bản quyền truyền hình mấy chục triệu USD. Tôi không nhớ rõ lắm nhưng nghĩ lại V.League thì thấy thật tủi thân. Tôi đi chào mời các Đài truyền hình thì họ lắc đầu nguây nguẩy. Tôi cũng bị sức ép đàm phán về bản quyền truyền hình rất nhiều", Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ.
Ông nói tiếp: "Các đài họ nói giải đấu như thế thì làm sao đòi được bản quyền truyền hình. Vì vậy, tôi và những người làm giải cần thay đổi tư duy. Tất cả phải cùng giúp cho giải tốt lên, có giá trị, bán được tiền. Trước tiên, hình ảnh bóng đá Việt Nam được tốt lên, sau đó là vấn đề vật chất chúng ta có tiền".
Vị tân chủ tịch VPF muốn đẩy nhanh tiến độ của vấn đề này để từ 1 đến 2 năm nữa, VPF sẽ bán được bản quyền truyền hình Giải VĐQG. "Muốn bán được thì tất cả các CLB, các giám sát, trọng tài, truyền thông phải cùng tạo nên hình ảnh giải đấu đẹp hơn. Giải đấu khi nào có giá trị mới bán được", ông mong mỏi.
Với mong muốn tạo được nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình từ đó cải thiện chế độ cho những thành viên khác trong đó có trọng tài, bầu Tú coi đây như một động lực để những vị vua áo đen làm việc nghiêm túc, hạn chế sai sót trong mùa giải mới
"VPF năm nay đặt ra câu chuyện là dần dần biến V.League trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của NHM. Làm sao tất cả những cái chúng ta đang làm biến được thành tài chính, bán được thành tiền. VPF có tiền, các CLB có tiền để hoạt động tốt hơn. VPF có thêm tiền thì chắc chắn chế độ đãi ngộ dành cho giám sát, trọng tài mới tăng lên được", ông nói.
Ngoài vấn đề trên, bầu Tú nhấn mạnh vào việc cải thiện công tác truyền thông cho giải đấu và thay đổi cơ cấu tổ chức của giải. Theo đó, VPF sẽ thành lập Ban điều hành thay vì Ban tổ chức giải như trước đây.
"Chúng tôi thống nhất không thành lập BTC giải, công ty sẽ điều hành trực tiếp giải. Vì vậy, chúng tôi lập Ban điều hành với tôi là Trưởng ban, phó ban là những Phó TGĐ của VPF. Đây là thứ khác hẳn so với mọi năm", Chủ tịch Tú chia sẻ.
Ông lý giải cho quyết định này: "Trách nhiệm đặt lên tôi, các Phó TGĐ sẽ vô cùng nặng nề nhưng giúp cho tiếng nói của VPF trong mọi công việc được tốt hơn. Sự phối hợp với các Ban khác của VFF cũng như các vấn đề khác được tốt hơn. Khi giải được điều hành tốt hơn, hình ảnh cũng sẽ khác".
Về vấn đề truyền thông, bầu Tú cảm thấy cần cải thiện chất lượng của đội ngũ này nhanh chóng. "Các cán bộ truyền thông phải có sự thay đổi. Với VPF, dự kiến sẽ có những buổi hội thảo để bổ sung thêm kiến thức về truyền thông. Sau U23 Việt Nam, hình ảnh của bóng đá Việt, của từng cầu thủ đã có rất nhiều sự thay đổi so với trước đây, đấy chính là nhờ công tác truyền thông. Tôi muốn các cán bộ truyền thông phải nâng cao hơn nữa về trình độ để công tác truyền thông cho mùa giải mới đạt kết quả tốt", Chủ tịch VPF nhấn mạnh.
Việt Nam đi sau các nước Đông Nam Á về bản quyền truyền hình
- Thái Lan: Tập đoàn truyền thông TRUE mua gói bản quyền truyền hình gồm tất cả các trận đấu thuộc các giải chuyên nghiệp của bóng Thái Lan với giá 2.730 tỷ đồng trong 4 năm 2017 – 2020.
- Malaysia: Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Telekom Malaysia ký hợp đồng 8 năm từ năm 2018 mua bản quyền truyền hình Giải VĐQG Malaysia với giá 440 triệu ringgit (~2.557 tỷ đồng). Liên đoàn bóng đá Malaysia gọi đây là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử thể thao nước này.