Giá trị của trọng tài ngoại ở V.League: “Đặc ân” cho “Vua ngoại”
Giai đoạn lượt về nóng lên khi rất nhiều đội bóng phàn nàn, phản ứng dữ dội về các quyết định của ông “Vua sân cỏ”. Trước sức nóng, áp lực tâm lý từ các đội bóng, BTC buộc phải tính đến phương án sử dụng trọng tài ngoại ở những trận đấu có tính chất then chốt tới cuộc đua trụ hạng và vô địch. Một làn gió mới xuất hiện và cách thức “sống chung” với sự khác biệt cũng có nét mới khi các bên tỏ ra nghiêm túc chấp nhận các quyết định được đưa ra.
Bầu Hiển không ngần ngại bày tỏ những bức xúc với cách cầm còi của ông Takuto Okabe ở trận hòa 2-2 giữa Hà Nội T&T và B.Bình Dương. Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó nhanh chóng đi vào dĩ vãng. Đến trận đấu trên sân Gò Đậu, phút 36, Xuân Thành để bóng chạm tay trong vòng cấm nhưng trọng tài Mongkolchai cho qua, các cầu thủ FLC Thanh Hóa không có bất kì phản ứng mạnh mẽ nào và tình huống trôi qua rất nhanh sau đó như chưa hề có chuyện gì xảy ra. “Bóng đã chạm tay Xuân Thành nhưng tay của cầu thủ này gần như khép vào người. Mỗi trọng tài sẽ có quyết định khác nhau. Cho dù quyết định đó đến từ trọng tài nội hay ngoại thì chúng tôi đều chấp nhận, tôn trọng cuộc chơi”, HLV Hoàng Thanh Tùng “bảo vệ” cho quyết định của trọng tài người Thái Lan.
Trong khi đó, với tình huống thổi phạt penalty trên sân Đồng Nai, trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi dành sự so sánh: “Đó là tình huống mà trọng tài Mohd Nafeez Bin Abdul đã rất quyết đoán chỉ tay vào chấm phạt đền. Mặc dù các cầu thủ HA.GL phản ứng nhưng nó chỉ mang tính chiếu lệ. Còn nếu một trọng tài nội thổi thì tất nhiên, mức độ phản ứng sẽ mạnh mẽ và kéo dài thêm”.
Rõ ràng, từ cách nhìn nhận, cách nghĩ đến hành động của các bên dành cho các trọng tài ngoại có thể thấy, các vị “Vua ngoại” đều dành được sự tôn trọng, ưu ái nhất định bởi theo như lý giải của ông Mùi cũng như HLV Thanh Tùng: “Việc một trọng tài ngoại bắt ở trận đấu then chốt sẽ nâng cao tính khách quan, giúp các cầu thủ không có tâm lý e ngại về yếu tố sân nhà dẫn đến những quyết định có lợi cho đội chủ nhà. Thế nên, các cầu thủ sẽ tập trung nhiều hơn đến vấn đề chuyên môn mà không bị ảnh hưởng nhiều đến các yếu tố khác”.
Nhìn vào cách phản ứng với các trọng tài ngoại, Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi bày tỏ mong muốn: “Một khi các đội bóng và cầu thủ thể hiện tính chuyên nghiệp trong cách hành xử, phản ứng với các quyết định của trọng tài thì chúng tôi sẽ mạnh dạn sử dụng trọng tài nội cho những trận cầu then chốt của cả mùa giải.”
Dẫu như thừa nhận của giới chuyên môn, vấn đề chuyên môn của trọng tài ngoại không hơn gì “Vua nội” nhưng nhìn cách “biệt đãi” và vịn vào những giá trị ngoại lai để bác bỏ công sức, sự nỗ lực của giá trị thuần Việt thì không khỏi cảm giác chạnh lòng.
Nghĩ mà thấy thương cho trọng tài nội!
TRẦN KHÁNH
Dấu ấn 3 trọng tài ngoại
Takuto Okabe (Hà Nội T&T 2-2 B.Bình Dương): Bầu Hiển bức xúc khi trọng tài người Nhật cắt còi vô cớ và “thả” cho những pha phạm lỗi thô bạo của đội khách.
Mohd Nafeez Bin Abdul (Đồng Nai 1-2 Hà Nội T&T): Quyết đoán thổi phạt penalty cho Đồng Nai và HA.GL không một chút phàn nàn.
Mongkolchai (B.Bình Dương 5-2 FLC Thanh Hóa): Bỏ qua tình huống Xuân Thành chạm tay trong vòng cấm ở phút 36 và đội khách không phản ứng quá quyết liệt.