Góc Văn Quyến: Ai bảo vệ và bảo vệ ai?
Thoạt nghe sẽ rất phức tạp và có vẻ nghiêm trọng, nhưng từng là cầu thủ nhiều năm chơi bóng, tôi hiểu vấn đề. Là cầu thủ, tự mỗi người biết mình cần phải làm gì, như thế nào để bảo vệ mình. Ở đội bóng, không HLV nào dạy cách chơi xấu, đá gãy chân đối phương cả nhưng là cầu thủ và coi đó là cái nghề của mình thì phải tự học, phải tự tư duy và đúc kết kinh nghiệm như là kỹ năng nghề.
Vì sao mình hay bị phạm lỗi, bị đối thủ chơi xấu? Đó là câu hỏi tự tôi đặt ra và tìm câu trả lời. Khi còn chơi bóng và đá ở vị trí tiền đạo, có thời nhiều cầu thủ đối phương còn muốn “xin cái chân” nhưng mình phải biết né, biết tránh và chọn thời điểm để chơi bóng chứ. Đối phương đã chủ định chơi xấu, mình nên và phải thực hiện các động tác đơn giản nhất, đừng cố thể hiện và thách thức.
V.League là giải đấu rất khắc nghiệt. Có thời điểm việc đá láo, đá bậy trở thành vấn nạn. Lý do thì nhiều, do chính ý thức cầu thủ, sự chuyên nghiệp nửa vời của các nhà tổ chức, rồi việc thiếu chặt chẽ, quyết đoán của trọng tài.
Là người có quyết định cao nhất trên sân, trọng tài đứng trên sân là để điều khiển trận đấu, giúp cầu thủ chơi đúng luật, nhưng ở Việt Nam vai trò của họ đôi khi lại quá mờ nhạt trong việc bảo vệ các cầu thủ, dạy và hướng dẫn tuân thủ luật chơi. Người ta nói do ý thức cầu thủ, xin thưa cái sai đầu tiên không hẳn là ở cầu thủ.
Cầu thủ không có quyền được đá bậy nhưng trọng tài có quyền phạt họ lỗi này. Vậy thì những chiếc thẻ trong tay để làm gì? Những nội quy, quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng để làm gì? Tôi chỉ nghĩ thế này, nếu các trọng tài làm đúng luật, phạt đúng người, đúng tội thì không những chính họ đã hoàn thành nhiệm vụ và còn bảo vệ được cầu thủ và giúp trận đấu đẹp, chất lượng hơn. Giải đấu cũng uy tín, thành công hơn.
Thế nhưng, điều tưởng dễ lại hóa khó. Và cái “bệnh” của trọng tài, vấn nạn bạo lực, thói hư tật xấu cứ thế tồn tại. Có thể, cầu thủ HA.GL được học và ý thức nhưng tôi nghĩ, một cá thể khác biệt trong một quần thể thì không dễ để tồn tại.
PHẠM VĂN QUYẾN