Kỳ II: Mặt sân Cần Thơ được chăm sóc đặc biệt như thế nào?
Tưới nước từ sông Hậu
Trong bối cảnh nhiều mặt sân tại V.League bị chê xấu giống như mặt sân ruộng thì sân Cần Thơ có mặt sân cỏ chỉ khá đẹp nhờ những lợi thế riêng và kỳ công chăm sóc của những nhân viên nơi này.
Quản lý sân Cần Thơ, anh Phạm Văn Út chia sẻ: “Mặt sân Cần Thơ gồm: Lớp đá 46 được xếp theo hình xương cá, lớp thứ 2 là lưới nhỏ phủ lên trên lớp đá 46, kế đến lớp đá nhỏ được rải lên trên lớp lưới, 2 lớp cuối cùng là cát và cỏ chỉ. Nhờ vậy, mặt sân Cần Thơ rất ít khi bị đọng nước”.
Để chứng minh về chuyện sân Cần Thơ có thể thoát nước tốt, anh Út kể: “Trước kia, sân Cần Thơ từng bị triều cường vào ngập sân nhưng mặt sân không hề bị gì. Đó là thời điểm nước sông Hậu lớn nên dâng theo đường cống nước vào sân. Tuy nhiên, nhờ có kết cấu đặc biệt và có hệ thống thoát nước tốt nên mặt sân Cần Thơ không bị hư hỏng”.
Có một điều đặc biệt ít ai biết là mặt sân Cần Thơ được tưới bởi nước sông Hậu. Với lợi thế sân Cần Thơ nằm ven bờ sông Hậu và cạnh bến phà Cần Thơ cũ, những người chăm sóc sân đã dùng máy bơm nước ở sông Hậu để tận dụng nguồn nước phù sa tưới cho mặt sân.
“Ngoài 2 máy bơm nhỏ ở sân thì chúng tôi còn đặt máy bơm nước ở sông Hậu để lấy con nước phù sa tưới cho mặt sân luôn xanh tốt. Đây là một việc không hề đơn giản vì chúng tôi phải canh theo giờ con nước lên để bơm nước”, anh Út chia sẻ.
Theo đó, họ muốn tận dụng tốt con nước phù sa của sông Hậu phải canh giờ con nước lên. Bất kể 1h hoặc 3h sáng, họ luôn túc trực để có thể bơm nước tưới cho mặt sân nhằm giúp cỏ chỉ có thêm lượng dinh dưỡng để xanh tốt.
Quy trình chăm sóc mặt sân Cần Thơ
Với 19 năm gắn bó với sân Cần Thơ, anh Phạm Văn Út đã có những chia sẻ thú vị về chuyện chăm sóc mặt sân Cần Thơ trong nhiều năm liền.
Theo lịch chăm sóc sân, nửa tháng sẽ bón phân một lần nhưng tùy vào thời điểm mà bón các loại phân khác nhau. Vào mùa nóng, cỏ chỉ của sân Cần Thơ sẽ được bón phân Urê (phân vô cơ) còn mùa mưa sẽ bón phân bảy màu (phân bón NPK 7 màu).
Về lịch lu mặt sân, sân Cần Thơ sẽ được lu trước và sau trận đấu. Nếu cỏ chỉ mọc tốt thì 7 ngày sẽ cắt một lần còn thưa sẽ cắt sau 10 ngày. Đặc biệt, những người chăm sóc sân phải hết sức chú ý đến chuyện cỏ lai mọc nhiều sẽ khiến cỏ chỉ không thể phát triển và nếu xảy ra thì cần được nhổ gấp vì để lâu sẽ khiến cỏ chỉ bị chết. Bên cạnh đó, chuyện phòng các loại bệnh có thể khiến cỏ chỉ chết cũng được chú trọng đặc biệt.
“Chúng tôi phải túc trực mỗi ngày để chăm sóc mặt sân Cần Thơ. Chúng tôi tưới nước 3 lần/ngày: Sáng sớm (khoảng thời gian 1h hoặc 3h), buổi trưa (13h) và buổi chiều (17h). Thế nhưng chuyện tưới nước cũng tùy theo mùa. Nếu tưới nước dư sẽ khiến cỏ chết và mùa nắng thì cần tưới nhiều”, anh Út kể.
Theo anh Út tâm sự thì “chăm sóc mặt sân cỏ chỉ của sân Cần Thơ là một điều hết sức khó khăn và không phải ai cũng làm được. Nếu không biết cách và sai sót sẽ khiến cỏ bị chết hoặc khô cháy trước thời tiết đặc trưng của miền Tây”.
“Tổ bảo dưỡng sân Cần Thơ sẽ làm những việc như lu, cắt, làm cỏ, tưới nước…Trong đó, chuyện tưới nước thì chúng tôi lấy nước phù sa từ sông Hậu để chăm sóc mặt sân tốt nhất. Tổng kinh phí 1 tháng vào khoảng 10 triệu đồng cho việc chăm sóc sân”, GĐĐH CLB XSKT.Cần Thơ ông Nguyễn Thanh Danh nói.
Theo Quản lý sân Cần Thơ, anh Phạm Văn Út cho biết sân Cần Thơ đã vài lần cải tạo lại mặt sân. Thậm chí, họ đã từng trồng lại cỏ khác nhưng chỉ có cỏ chỉ mới chịu đựng được thời tiết miền Tây.