Nhà báo Phan Đăng: Viết cho “thượng đế” Hải Phòng
Thời bao cấp, điển hình nhất là “vụ lật kèo thế kỷ” trên sân Phan Rang, một trận đấu mà “theo kế hoạch” thì Lâm Đồng phải “nằm” và Hải Phòng sẽ thắng. Thế nhưng nghiệt ở chỗ, nếu “nằm” thì Lâm Đồng xuống hạng, thế là một cú lật kèo ngoạn mục xảy ra khi Trương Văn Tâm bất ngờ ghi bàn cho Lâm Đồng vào phút chót. Dân làng bóng còn kể lại, sau cú lật kèo thế kỷ ấy, nhiều cầu thủ Hải Phòng ức tới độ đã mang “đồ” tới khách sạn mà Lâm Đông trú ngự để… xử đến nơi đến chốn. Nhưng đúng là “kẻ cắp gặp bà già” khi người Hải Phòng đến nơi thì chiếc xe chở đội Lâm Đồng đã lăn bánh từ trước đó.
Sang đến thời bóng đá doanh nghiệp, khi Hải Phòng trở lại V.League và bầu Tuân kết duyên với bóng đá Hải Phòng thì đã có lúc ông bầu này đứng giữa làng tuyên bố: “Năm nay chúng tôi quyết không xin, không cho ai cả”. Lời tuyên bố ấy lập tức khiến bầu Tuân ghi điểm, và Hải Phòng lập tức trở thành một đối tượng để nhiều người nhiều giới… soi. Thế nhưng thời bóng đá doanh nghiệp đầu tiên ấy, nếu bảo Hải Phòng quả đúng là đội bóng “không xin không cho ai cả” thì có lẽ chính những CĐV ruột của Hải Phòng cũng phải lắc đầu. Người ta chưa quên trận hạ màn V.League 2004 trên sân Lạch Tray, khi Hải Phòng chỉ có thể trụ hạng nếu giành điểm trước HA.GL, và rốt cuộc họ đã làm được điều mình muốn.
Vấn đề nằm ở chỗ, đấy là trận đấu HA.GL đã chắc suất ngôi vô địch và nhiều cầu thủ khách đã không đá với tư tưởng hết ga, hết số đúng như những gì ông bầu Đoàn Nguyên Đức tuyên bố. Ngay cả Kiatisak – cầu thủ được đánh giá là cực kỳ chuyên nghiệp, sạch sẽ lại vừa được coi là người rất giỏi “ngửi mùi cuộc chơi” đã thực hiện bất thành một quả 11m. Trận đấu ấy, Hải Phòng trụ hạng, ông HLV trưởng Fernandez người Pháp với bộ vest trắng lịch lãm và một bông hồng cài ngực áo không giấu được niềm vui ra mặt nhưng chính những khán giả Lạch Tray – những người vốn có quá nhiều kinh nghiệm để “ngửi mùi” V.League – lại không vui mừng.
Đến mùa giải 2011, khi Hải Phòng cũng đứng trước nguy cơ rớt hạng thì bóng đá Hải Phòng thậm chí còn thành lập cả một “Ban chống xuống hạng” và “ấn” vào cái ban ấy 10 tỷ đồng hoạt động chỉ trong 4 vòng đấu cuối mùa. Kết quả: Hải Phòng thắng liên tiếp 2 trận quan trọng trước HP.HN và Bình Dương, và cả 2 ông trọng tài điều khiển những trận đấu này sau đó đều bị “đuổi vĩnh viễn” vì những tiếng còi theo kiểu đè ngửa đối thủ của Hải Phòng ra ép. Trò chuyện với người viết sau trận Hải Phòng thắng HP.HN 2-1 trên sân Lạch Tray hồi ấy, một CĐV trung thành của Hải Phòng buồn bã thốt lên: “Thắng như thế này thì thắng để làm gì?”.
Rõ ràng, người Hải Phòng chân chính muốn nhìn thấy những sự thắng – thua chân chính của đội bóng thân yêu. Người Hải Phòng chân chính muốn có một đội bóng thà yếu nhưng tử tế, thà xuống hạng nhưng trong trẻo còn hơn một đội bóng vừa đá vừa tính, trong đó có những phép tính không thể thao tí nào. Bây giờ thì những CĐV Hải Phòng lại ầm ầm phản ứng trận thua lạ của đội nhà trên sân Cần Thơ. Trận đấu mà Hải Phòng cất một loạt cầu thủ chủ lực trên ghế dự bị với lý do chấn thương, thẻ phạt, và cũng là trận đấu mà lãnh đạo Hải Phòng cho biết: “Có căng sức ra đá cũng chưa chắc thắng được Cần Thơ”, dù nhìn lên bảng tổng sắp, Hải Phòng đang đứng thứ 3 từ trên xuống còn XSKT.Cần Thơ đang đứng thứ 3 từ dưới lên. Mà cái chính là với bất luận với đội hình chính hay phụ thì người Hải Phòng luôn muốn nhìn thấy một đội bóng có tinh thần, sức sống, chứ không phải một đội bóng mất hết nhuệ khí như ở sân Cần Thơ vừa rồi.
Chiều nay, Hải Phòng tiếp SHB.Đà Nẵng trên sân của mình.
Chiều nay, chắc chắn vẫn sẽ có những CĐV Hải Phòng đòi đội nhà, rồi đòi cả VPF lẫn VFF phải mạnh dạn làm cho ra nhẽ.
Thật sốc nếu những CĐV ấy bị làm khó, thậm chí bị đuổi ra ngoài sân với cái lý luận: “Họ chỉ là một nhóm nhỏ, không đại diện cho CĐV đất Cảng nói chung” và “họ có biểu hiện phá hoại đội bóng này…” (?!)
Nên nhớ, ở Hải Phòng xưa nay, các ông bầu đến rồi đi, nổ rồi xịt nhưng các CĐV chân chính – thứ tài sản quý giá nhất của bóng đá Hải Phòng thì còn mãi với thời gian!
Phan Đăng