Tâm sự đáy lòng của trọng tài đang hành nghề tại V.League
Sau liên tiếp những sự cố liên quan đến trọng tài thời gian gần đây, đã xuất hiện rất nhiều ý kiến chỉ trích hướng vào đội ngũ trọng tài.
Dưới góc độ của người trong cuộc từng mắc sai sót, bị phản ứng kịch liệt, một trọng tài ở V.League (xin giấu tên) đã trải lòng về nghề "cầm cân nảy mực" trên sân cỏ.
Trọng tài giống như tấm bình phong
V.League đang bước vào giai đoạn cam go nhất và mỗi trận đấu đều được "soi" rất kỹ. Đây là thời điểm mà các trọng tài đối diện với rất nhiều áp lực, khi để phục vụ cho mục tiêu, động cơ của mình, hầu hết các đội bóng đều lấy trọng tài ra làm "bình phong".
Với những trọng tài hành nghề nhiều năm ở V.League, đó là câu chuyện quá quen thuộc và mùa giải nào cũng xảy ra thường xuyên.
"Có bao giờ các bạn đặt câu hỏi, giải đấu có 14 đội bóng mà cứ đến giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải thì có đến 12-13 đội bóng lại phàn nàn về công tác trọng tài? Bởi họ đều có tính toán, muốn có lợi cho mình hết.
Đội thua không biết đổ cho ai thì lấy trọng tài ra làm bình phong để đỡ. Đội thắng thì việc kêu ca trọng tài họ cũng có những tính toán của riêng mình đấy. Tất cả vô hình chung tạo ra một tiền lệ rất xấu và người hứng chịu cuối cùng vẫn là anh em trọng tài", vị trọng tài này nói.
Từng nhiều lần bị rơi vào hoàn cảnh bị các đội bóng đưa ra làm "vật tế thần", trọng tài này phân tích: "Tôi lấy ví dụ như Hải Phòng. Nhìn cách Hải Phòng thi đấu như thời gian qua, rõ ràng là họ đang tự bắn vào chân mình. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận thất bại là do chuyên môn, đội bóng này lại liên tục chỉ trích công tác trọng tài, dù thực tế trong các trận đấu của Hải Phòng, trọng tài hầu hết đều hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Đó có thể ngầm hiểu như một cách đánh lạc hướng dư luận của Hải Phòng nhằm về phía trọng tài. Và không chỉ có riêng Hải Phòng ở V.League đang dùng cách đấy mà còn nhiều đội bóng khác nữa. Bởi như thế họ có lý do chính đáng để đổ lỗi cho thất bại".
Trọng tài là nghề nguy hiểm
Theo chia sẻ của vị Vua áo đen này, nghề trọng tài giống như "làm dâu trăm họ". Có nghĩa là không bao giờ làm hài lòng được tất cả và rất khó để tròn trịa, không mắc lỗi.
"Trọng tài chỉ là một nghề tay trái của hầu hết anh em trọng tài. Chúng tôi còn nghề nghiệp khác nhưng chưa bao giờ trong đầu bản thân nghĩ đây là nghề phụ cả, tất cả đến với nó bằng đam mê, trách nhiệm.
Thực tế, để có thể đào tạo ra một trọng tài bắt V.League không phải đơn giản. Tất cả anh em trọng tài đều phải phấn đấu, nỗ lực hết mình mới trụ lại được.
Nghề trọng tài đòi hỏi nhiều thứ như am hiểu bóng đá, am hiểu luật và phải có tâm lý, bản lĩnh vững vàng. Nhiều khi nghề này không nói hay được bởi chỉ trong tích tắc đã phải đưa ra quyết định rồi. Đúng hay sai cũng chỉ trong tối đa 3 giây là phải quyết định.
Có thể 10 trận đấu bắt tốt nhưng một trận không tốt coi như những nỗ lực, ghi nhận trước đó bị xoá hết. Có thể cả trận điều hành tốt nhưng chỉ một tình huống phút cuối xử lý hỏng, bạn sẽ thành tâm điểm của mọi sự chú ý.
Bắt tốt thì không được khen nhưng chỉ cần sai, bạn sẽ bị dư luận, báo chí và các đội bóng chỉ trích, phê phán và rất nhiều áp lực khác nữa. Thực sự, nghề trọng tài này khó đòi hỏi làm cái gì cũng tốt và luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Bởi không sai cái này thì sẽ sai cái khác. Quan trọng là lỗi đó không quá nghiêm trọng mà thôi", trọng tài được nhận định là một trong những "còi cứng" của V.League bày tỏ.
Làm trọng tài sai sót là điều không tránh khỏi, ngoài ra trong vai trò của "người cầm cân nảy mực", họ cũng phải đối mặt với vô vàn sức ép.
Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng có thể chia sẻ với gia đình về đặc thù công việc của mình. "Tôi rất ít khi nói chuyện với vợ mình về công việc hiện tại. Bởi đơn giản tôi không muốn làm cô ấy thêm lo lắng và bận tâm với công việc của chồng. Ngay cả khi gặp những "biến cố" trong nghề, tôi cũng chấp nhận một mình đón lấy, thay vì chia sẻ với vợ", tiếp lời trọng tài trên.
Trước câu hỏi, liệu có cảm thấy sức ép hay áp lực gì khi gặp sự cố sau một trận đấu, trọng tài từng sai sót và nhận án kỷ luật của Ban trọng tài này thẳng thắn: "Không, tôi hay các anh em của mình đều không cảm thấy áp lực gì cả. Chúng tôi chỉ suy nghĩ nhiều về nó, nghĩ rằng cái nghề của mình đôi khi phải thế. Và trót đam mê rồi phải chấp nhận".
Trọng tài được xem là nghề không đơn giản ở Việt Nam. Tuy nhiên, so với mức thu nhập với các đồng nghiệp trong khu vực, thu nhập hàng tháng của Vua áo đen Việt Nam không thể so sánh bằng.
"Nếu đem so sánh mình với trọng tài khu vực, thu nhập của chúng ta kém hơn họ một nửa. Thực tế, trọng tài nước ngoài chắc gì đã tốt bằng V.League.
Một trận đấu bắt chính chúng tôi được 6 triệu, ngồi bàn được 4 triệu. Nếu một trọng tài cứng được bắt thường xuyên cả 4 trận/tháng, lương nhiều nhất cũng 20 triệu/tháng. Bên cạnh đó, nếu 1 trọng tài 1 tháng chỉ được làm nhiệm vụ 1 trận thì mức thu nhập cũng chỉ được 4-6 triệu đòng.
Tuy nhiên, công sức, tập luyện và đủ thứ áp lực phải gánh nên mức lương này thực sự vẫn chưa thấm vào đâu", trọng tài này kết luận.