Tổng kết V.League 2015 (Kỳ 2): Điểm sáng “Vua áo đen”
Ghi nhận
So với 2 mùa giải trước, mùa 2015 không nổi lên những vụ “bàn thắng ma” hay “bẻ còi” gây lùm xùm, khiến cho người ta có cảm giác… “cứ mở mắt ra là nghe các ông “Vua áo đen” bị bêu rếu, phê phán”.
Thực tế, mùa giải 2015 cũng chứng kiến nhiều vụ ồn ào liên quan đến công tác trọng tài (TT), chẳng hạn như việc TT trẻ Trần Đình Thịnh bị HLV Lê Huỳnh Đức tuyên bố “từ mặt” sau trận thua HA.GL ở Pleiku, việc TT người Đồng Nai này bị HLV Võ Đình Tân tố vì cho rằng thiên vị chủ nhà ĐT.LA; hay việc ông Thịnh khiến cho người ta còn nhắc, nhớ đến mình ở tình huống bị HA.GL phản ứng tại Tứ kết Cúp QG với HN.T&T và trận đấu được xem là bạo lực nhất mùa giải với 7 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ (T.Quảng Ninh – Hải Phòng) mà ông Thịnh được xem là một trong những tác nhân.
Bên cạnh đó là các vụ “bẻ còi” của TT Nguyễn Ngọc Châu ở Cần Thơ (XSKT.Cần Thơ -ĐT.Long An), Hoàng Ngọc Hà tại Chi Lăng (SHB.Đà Nẵng – QNK.Quảng Nam) và nổi bật hơn có trường hợp của TT Phùng Đình Dũng, khi ông “Vua sân cỏ” người Hà Nội có đến 3 lần bị bêu tên. Trận Hải Phòng – T.Quảng Ninh, ông Dũng mắc lỗi đã phạt cầu thủ 2 thẻ vàng nhưng không rút thẻ đỏ để truất quyền thi đấu. Bàn thắng được ghi ở tình huống việt vị nhưng vẫn được công nhận (sau đó sửa sai) chỉ vì không quan sát TT biên đã phất cờ. Ông Dũng chính là người đã phạt thẻ vàng trong pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải đối với Anh Khoa, cầu thủ sau đó đã nhận một án phạt rất nặng vì hành vi bạo lực.
Tuy nhiên, xâu chuỗi lại thì tất cả những vụ việc mà các ông “Vua áo đen” mắc phải ở mùa giải vừa qua không để lại hậu quả nghiêm trọng hay làm ảnh hưởng lớn đến kết quả trận đấu. Thậm chí, không phải tất cả các tình huống, sự vụ ầm ĩ TT đều sai mà ngược lại, họ vô tình bị biến thành nạn nhân khi các đội bóng muốn tìm lý do để đổ lỗi.
Ở mùa giải mà Chủ tịch VFF tiết lộ việc bầu Đức “đề nghị trọng tài bảo vệ cầu thủ HA.GL”. Việc điều các TT trẻ liên tục bắt HA.GL, bất chấp rất nhiều khó khăn, sức ép và sự tấn công có chủ ý của đội bóng của PCT VFF, rõ ràng cần phải ghi nhận về sự khác biệt trong công tác TT.
Nhưng “vẫn phải học nhiều”
Dù không để lại dư chấn lớn, song vẫn phải thừa nhận, chất lượng của các TT Việt Nam không hề tăng lên. Bởi thực tế cho thấy, từ những TT dày dạn kinh nghiệm cho đến các gương mặt trẻ nhiều triển vọng đều mắc sai sót.
Việc Ban TT đồng ý để BTC giải mời trọng tài ngoại đến điều khiển các trận đấu mang tính chất quan trọng, nhạy cảm giai đoạn cuối mùa giải bên cạnh lý do an toàn và tư tưởng “Bụt chùa nhà không thiêng” thì trình độ, bản lĩnh của các TT Việt Nam cũng được xem là một phần nguyên nhân.
“Có nhiều nguyên nhân khiến mùa giải vừa qua trọng tài không bị các đội bóng phàn nàn và làm ầm ĩ nhiều như việc đội ngũ trọng tài trẻ được phân công làm nhiều hơn. Do còn trẻ nên họ không có “dây mơ rễ má” với các đội bóng, ra sân chỉ với mục đích duy nhất là cố gắng thể hiện mình.
Và dù bị phản ứng nhưng hầu hết là những lỗi do chuyên môn nghiệp vụ chứ không phải do tư tưởng nên ít bị các đội bóng phản ứng gay gắt, thậm chí là quy chụp như mọi năm.
Qua nhiều năm cùng ăn ngủ với BĐVN, tôi thấy những gì mà đội ngũ trọng tài làm được ở mùa giải vừa qua là đáng mừng, dù vẫn ít và cần phải cải thiện hơn nữa. Nếu cứ đến những trận quan trọng, nhạy cảm lại mời trọng tài ngoại về làm thì mất mặt lắm… ”, một cựu trọng tài, hiện đang làm giám sát các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, đúc kết.
(còn tiếp)
ĐẮC MINH
Theo nhìn nhận của nhiều người, việc Ban Trọng tài công khai việc kỷ luật “nguội” đối với trọng tài Phùng Đình Dũng, khi chỉ rút thẻ vàng đối với Quế Ngọc Hải vì lỗi thô bạo đối với Anh Khoa, được cho là “tát nước theo mưa”, thiếu chính kiến. Điều này khiến đội ngũ trọng tài cảm thấy không được bảo vệ bởi người nhà.
So với mùa giải 2014, số lượng thẻ vàng (TV) và thẻ đỏ (TĐ) mùa 2015 cao hơn hẳn. Điều này cho thấy các trọng tài ngày càng mạnh tay hơn với các trường hợp phạm lỗi. Nếu như mùa giải 2014 tổng số TV là 636, TĐ là 40 thì đến mùa 2015 con số này được tăng lên là 734 (trung bình 4,03/trận) và 44 (0,24 thẻ/trận).