Tư duy ăn sẵn xiềng xích, bóng đá Việt Nam đừng mơ chuyên nghiệp!
“Làm bóng đá mà nghĩ đến lợi ích kinh tế thì tốt nhất nên bỏ ngay”
Đó là phát biểu từ “ông Bầu” - Đỗ Quang Hiển của CLB Hà Nội, đội bóng được xem là có tiềm năng trở thành CLB đầu tiên ở Việt Nam đủ khả năng tự chủ kinh tế, khi khoản lỗ lũy kế là thấp bậc nhất và đang tiến dần về 0 theo số liệu của Cafe Biz năm 2017.
Nhưng với nhiều đội bóng khác, khoản thâm hụt ấy lại vô cùng khổng lồ đặc biệt là hai lò đào tạo danh tiếng hàng đầu là SLNA và HAGL. Không quá khó để lý giải cho tình cảnh ấy của hai đội bóng này, khi mà họ đã đổ rất rất nhiều tiền cho công tác đào tạo trẻ, xây dựng học viên hay hợp tác quốc tế.
Dẫu Vinh và Pleiku luôn nằm Top những sân bóng náo nhiệt nhất suốt nhiều mùa qua. Tuy nhiên, nguồn thu từ tiền bán vé chưa bao giờ là giải pháp đủ hữu hiệu để giải quyết bài toán tự cung, tự cấp ở các CLB.
Trích lời Bầu Hiển, một người làm bóng đá kiên trì, tâm huyết bậc nhất, đã đạt được thành quả là một CLB Hà Nội chuyên nghiệp, có bản sắc, lẫn trình độ cao so với mặt bằng chung như ngày hôm nay. Để thấy được rằng, kể cả những người đang thành công nhất cũng không mấy lạc quan về vấn đề tự chủ kinh tế trong bóng đá ở Việt Nam. Yếu tố được đánh giá là mẫu số chung trong hệ quy chiếu của một nền túc cầu chuyên nghiệp.
Tư duy ăn sẵn xiềng xích sự đi lên
Việc CLB không hái ra tiền xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ lẫn khách quan. Khi hầu hết các đội bóng đều chưa xây dựng bản sắc đủ lôi cuốn, truyền thông chưa đủ mạnh, CLB cống hiến chưa được như kỳ vọng để có thể giành một vị trí trang trọng trong lòng của nhiều NHM chân chính.
Hay việc một CLB dày công suốt mấy năm ròng rã để đào tạo nên những cầu thủ giỏi, nhưng lại không đủ tiềm lực giữ chân và để họ ra đi quá đỗi dễ dàng về mặt hình thức lẫn kinh tế, như câu chuyện SLNA “chảy máu” nhân tài suốt bao năm qua. Hoặc vấn đề khai thác còn hạn chế bản quyền hình ảnh, bản quyền truyền hình cũng là những nguyên nhân khác.
Nhưng ở khía cạnh khách quan, tình cảnh thất thu của các CLB ở Việt Nam không thể không đặc dấu hỏi vai trò của NHM. Nếu đổ lỗi cho việc khó khăn trong kinh tế, nên nhiều CĐV phải mua “áo nhái” thay vì áo chính hãng được CLB bày bán. Miễn là có áo vào sân cho hòa cùng sắc chung, thì đó hẳn là một cách suy nghĩ hạn hẹp.
Bởi điều đó là cổ súy cho những kẻ ăn cắp thương hiệu và thay vì vào sân để ủng hộ cho CLB về vật chất lẫn tinh thần. Họ chọn cách dùng tình thần bù đắp vật chất, bởi tiền đã đổ vào túi những kẻ “cắp” kia, thay vì góp phần nuôi đội bóng mà họ tự nhận là hâm mộ, là yêu,...
Đáng buồn thay lối tư duy ăn sẵn, thích miễn phí đó đã bắt rễ sâu trong suy nghĩ và cách sống của phần đông CĐV. Mà nếu nhìn vào sự chênh lệch người mua giữa gian hàng bán “áo fake”, bên cạnh gian hàng chính hãng của một CLB thì sẽ rõ mồn một. Hay việc hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem bóng “lậu” trên các trang mạng xã hội, ngay cả những trận đấu các nhà đài Việt Nam sỡ hữu bản quyền, cũng là những minh chứng cho văn hóa đáng buồn đó nơi nhiều CĐV.
Nếu lại dùng chữ “nghèo” để bào chữa, thì phải lý giải như thế nào cho những lúc hàng nghìn người tranh nhau để được mua một tấm vé chợ đen, bị đội giá đến hàng triệu đồng đây?
Vậy đấy, một nền bóng đá muốn xứng đáng với hai chữ chuyên nghiệp và phát triển bền vững thì mỗi một người hâm mộ cũng cần phải bài xích những lợi ích cá nhân, tư duy khôn lỏi và thói quen ăn sẵn, miễn phí. Bởi văn hóa thưởng bóng nếu qua lăng kính phóng đại chính là phản ánh một góc bộ mặt xã hội của đất nước.