Đàm Huy Đại và câu chuyện về cái duyên trời định với bóng rổ Đà Nẵng
KHÉP LẠI SEA GAMES 2015 TẠI SINGAPORE, Đàm Huy Đại cùng các đồng đội ở đội tuyển bóng rổ Việt Nam chơi không thực sự ấn tượng, ra về cùng vị trí thứ 7 trong 9 đội tham dự.
Nhưng bỏ lại tất cả ở sau lưng, Đàm Huy Đại trở về mảnh đất miền Tây sông nước thân thuộc. Trước mắt anh là một mục tiêu lớn hơn, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA.
Mùa giải 2016 là lần đầu tiên VBA được tổ chức, sân chơi chuyên nghiệp được nung nấu sau nhiều năm Saigon Heat đại diện cho Việt Nam thi đấu tại ABL – Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á.
VBA mùa thứ nhất có 5 đội bóng, trải dài khắp nhiều vùng miền. Một đội ở Thủ đô, hai đội ở Tp.Hồ Chí Minh, một tập thể ở Đà Nẵng và một đội bóng ở ngay miền Tây. Là người con của mảnh đất Đồng bằng sông Cửu Long, thật khó để Đàm Huy Đại bỏ qua cái tên Cantho Catfish.
Trong tập thể ấy, một số anh em miền Tây khác của anh cũng thi đấu như Tô Quang Trung, Trần Vũ Linh hay Trịnh Nhân Dục. Vậy mà một cách nào đó, tầm nhìn của anh đã vượt ra khỏi miền Tây, qua luôn hai đội bóng ở thành phố mang tên Bác để hướng ra miền Trung, mảnh đất có một đại diện duy nhất là Danang Dragons.
“Nhìn năm đội bóng tham gia thì lại có một đội ở Đà Nẵng, mà đội này lại ít xuất hiện ở các đấu trường quốc gia nên làm cho mình cảm thấy rất tò mò. Thấy vậy làm mình cũng muốn đi ra thử một vùng đất mới, giúp phát triển phong trào ở đó xem sao”, Đàm Huy Đại chia sẻ.
“Mới đó mình chỉ nghĩ là chọn Đà Nẵng vậy thôi chứ không có nghĩ đến việc sẽ sinh sống hay phát triển sự nghiệp gì ở đây cả. Mình chỉ coi việc đánh VBA như một trải nghiệm rồi sau đó về lại miền Tây thôi à”.
Đúng là Đàm Huy Đại đã chọn Đà Nẵng, nhưng chữ “duyên” đã khiến Đà Nẵng lựa chọn Đàm Huy Đại.
Nếu không vì một chút tò mò và thử trải nghiệm mới, chưa chắc đã có hình tượng “chú Đại” như người hâm mộ Danang Dragons truyền tai nhau như ngày hôm nay.
Nhưng không chỉ riêng vòng tròn bóng rổ Dragons, Đàm Huy Đại còn là cái tên phổ biến hơn ở một cộng đồng khác, đó là cộng đồng bóng rổ Đà Nẵng.
TRẢI QUA 3 MÙA GIẢI VBA, Đàm Huy Đại cũng chỉ đơn giản là thi đấu cho Danang Dragons rồi trở về miền Tây với gia đình, bạn bè và thế giới bóng rổ của riêng mình.
Anh vẫn là cầu thủ thuộc biên chế của đội bóng rổ Cần Thơ, nơi “nương tựa” của anh một thời gian sau khi Sóc Trăng rút bóng rổ khỏi danh sách môn thể thao ưu tiên của họ. Sống và làm việc ở Cần Thơ, Đàm Huy Đại mới được tiếp tục tập luyện, nuôi dưỡng đam mê và thi đấu các giải trong hệ thống của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam.
Nhưng sau mùa giải VBA 2018, cái duyên đã xuất hiện với Đàm Huy Đại. Một cô gái ở mảnh đất sông Hàn đã để ý chàng cầu thủ đến từ miền Tây. Sau khi theo dõi Danang Dragons và Huy Đại thi đấu, cô đã bắt đầu mở lòng.
Liên lạc với nhau qua Facebook vì Huy Đại lúc ấy đã về quê, cả hai bắt đầu nói chuyện nhiều hơn để hẹn nhau vào năm 2019, chàng cầu thủ họ Đàm lại ra Đà Nẵng thi đấu để bắt đầu trực tiếp gặp mặt rồi hẹn hò.
“Lúc ra hội quân mùa 2019 thì hai người mới bắt đầu gặp nhau, tìm hiểu nhau rồi thấy hợp thì mới bắt đầu hẹn hò. Từ đó thì anh bén duyên với vợ của anh luôn”, Đàm Huy Đại ngại ngùng chia sẻ.
Cô gái Đà Nẵng ấy chính là vợ của Đàm Huy Đại ngày nay, người đã vô tình thổi thêm một chút “chất sông Hàn” vào con tim của chàng trai miền Tây sông nước. Hẹn hò được một thời gian, cả hai xác định kế hoạch tương lai và chính thức làm đám cưới vào một ngày đẹp trời của năm 2019.
Sợi dây liên kết với mảnh đất miền Trung ngày một rõ rệt, Đàm Huy Đại quyết định mình sẽ gắn bó với Đà Nẵng trong một thời gian dài. Vừa để xây dựng gia đình nhỏ, vừa để thắp lên tiếp ngọn lửa đam mê cùng quả bóng cam. Tuy nhiên khi ở một nơi được coi là đất khách quê người, người con xa xứ không hề dễ sắp xếp hay định hướng cuộc sống.
Khép lại mùa giải VBA 2019, cũng là mùa thứ 4 gắn bó cùng Danang Dragons, Đàm Huy Đại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nơi anh chạm mặt thực trạng buồn của nghiệp cầu thủ.
VBA chỉ kéo dài khoảng 4-5 tháng trong năm (tính cả thời gian tập trung trước mùa giải), đẩy cầu thủ vào trạng thái “thất nghiệp” trong 7-8 tháng còn lại.
Biết rằng là một VĐV chuyên nghiệp, không thi đấu thì họ vẫn có thể tham gia công tác giảng dạy và huấn luyện. Nhưng tại Đà Nẵng, mọi thứ chưa đơn giản như thế.
KHÓ KHĂN TRONG KHÂU TÌM VIỆC, một chút nản chỉ đã khiến Đàm Huy Đại lo lắng. Trong hơn 4 năm gắn bó với mảnh đất miền Trung, chỉ có 2 lần Huy Đại thực sự cảm thấy nản lòng. Ngoài lần đầu tiên khi “lạ nước, lạ cái” vì rời khỏi miền Tây mát mẻ để đến với Đà Nẵng nóng nực, đây chính là lần thứ hai khi anh rơi vào trạng thái không có định hướng.
Ba tuần sau khi mùa giải khép lại, các đồng đội xa quê như Đàm Huy Đại đều đã rời “hang rồng” để trở về quê hương. Riêng anh vẫn ở lại vì muốn gắn bó với gia đình nhỏ mà mình xây dựng.
“Năm 2019 khi đã quen và bắt đầu có kế hoạch tương lai với vợ rồi thì Đại xác định là sẽ ở lại Đà Nẵng vì nếu trở về miền Tây, mọi thứ sẽ rất khó khăn với hai bạn trẻ mới quen nhau”, cựu cầu thủ của Danang Dragons chia sẻ.
“Thực sự lúc đó khi ở lại thì mình không biết sẽ thế nào, không biết làm bóng rổ ở đâu. Nhờ một số anh em quen biết thông qua bóng rổ ở Đà Nẵng, mình đã hỏi và tiếp xúc để xin việc. Nhưng không phải xin là được nhận liền nên mình đã ở lại Đà Nẵng, chờ câu trả lời”.
Lời xin việc của Đàm Huy Đại được gửi đến một số nơi, trong đó có trung tâm BDC - Basketball Development Center Đà Nẵng. Nhưng do chờ đợi quá lâu, anh đã ấn định một ngày để trở về miền Tây, quay lại quê hương để tính nước đi tiếp theo trong sự nghiệp.
Dự định ban đầu của Đàm Huy Đại là vừa tập luyện, vừa dạy bóng rổ ở miền Tây. Nhưng đến gần sát ngày lên đường, anh đã nhận được lời mời đến thử việc.
Một cái duyên nữa đã đến sau Danang Dragons, sau người vợ và giờ là một nơi chắp cánh đam mê liên quan đến trái bóng cam.
Chẳng những được làm việc để trang trải cuộc sống và xây tổ ấm, không lâu sau thì BDC còn trao vào tay Huy Đại một đề nghị khác mà anh không thể chối từ.
Được sự tin tưởng của giám đốc trung tâm và anh em cộng đồng bóng rổ Đà Nẵng, Đàm Huy Đại được đặt vào ghế thuyền trưởng cho một đội bóng trẻ của trung tâm, về sau tập thể này trở thành đội trẻ của cả thành phố Đà Nẵng.
RẢO BƯỚC ĐI KHẮP CÁC SÂN BÓNG TẠI ĐÀ NẴNG, Đàm Huy Đại theo dõi sát sao những cầu thủ thuộc lứa học sinh tham dự giải Hội khoẻ Phù Đổng của thành phố. Trong mắt anh là ngọn lửa đam mê, dõi theo những cầu thủ đang sống hết mình cùng bóng rổ giống hệt với hình ảnh của một Đàm Huy Đại thời còn trẻ ở miền Tây sông nước.
Sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng, nơi được coi là cái nôi của bóng rổ, Đàm Huy Đại gia nhập một hệ thống đào tạo cực kỳ bài bản. Từng cấp độ một, các cầu thủ sẽ phải cố gắng cải thiện trình độ của mình với hy vọng được vào đội trẻ, vào đội dự tuyển rồi mới được lên tuyển.
Như bản thân Đàm Huy Đại, người đã từng góp mặt cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam dự SEA Games 28 tại Singapore, anh đã trải qua nhiều năm tháng tập luyện cực khổ. Nhờ đó, anh hiểu rõ những gì cần thiết để đưa một cầu thủ ở lứa tuổi học sinh lên thành một tài năng của cả thành phố hay xa hơn là ở cấp độ quốc gia.
Được BDC và cộng đồng bóng rổ Đà Nẵng trao cơ hội, Đàm Huy Đại đã trở thành HLV cho đội trẻ và là một phần không thể thiếu trong việc tìm kiếm tài năng cho đội.
Kết hợp với cộng đồng bóng rổ ở thành phố sông Hàn, 2 đội trẻ đã được thành lập bao gồm U15 nam và U15 nữ. Mục tiêu của những tập thể này là hướng đến Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020 với định hướng xa hơn bao gồm thêm 2 đội nữa là U17 nam và U17 nữ.
Tuy nhiên, đã có chút không may mắn khi giải đấu đã bị dời sang năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, điều đó không ngăn cản được nhiệt huyết của Đàm Huy Đại cùng lứa cầu thủ trẻ của mình.
“Khi đã thành lập đội trẻ này thì anh đã đổ tâm huyết của anh vào rất là nhiều. Đây cũng là lứa đầu tiên được ra lò để giúp cho bóng rổ Đà Nẵng phát triển với môi trường chuyên nghiệp và đỉnh cao hơn”, Đại chia sẻ.
“Bên cạnh việc huấn luyện thì anh cũng sàng lọc và chắt lọc những gì mình đã trải qua ngày xưa để áp dụng cho tụi nhỏ, phải làm bài bản ra sao để tụi nhỏ có thể đi lên và phát triển. Về định hướng để phát triển thì cần phải làm với một cái tâm, phải luôn cố gắng”.
Nói thêm về câu chuyện định hướng cho các cầu thủ trẻ, HLV của U15 Đà Nẵng đã chia sẻ về câu chuyện đồng hành của Sở, điều mà anh luôn mong muốn tồn tại để giúp các cầu thủ trẻ an tâm hơn trong việc theo đuổi tương lai.
Nỗi lo trong lòng của Đàm Huy Đại chính là hình ảnh đã từng xuất hiện ngày xưa tại Sóc Trăng, nơi bóng rổ từ môn thể thao số một của tỉnh bỗng dưng… biến mất. Các cầu thủ phải toả đi khắp nơi, có người vẫn theo được nghiệp bóng rổ ở Cần Thơ hay Tp.Hồ Chí Minh, nhưng có người cũng phải giải nghệ và tìm một nghề khác để nuôi sống gia đình.
Chắc chắn Huy Đại không hề muốn điều này lại xảy ra với các học trò hiện tại của mình, dù lứa cầu thủ anh đang làm việc còn rất trẻ.
HƯỚNG THẬT NHANH VỀ NHÀ SAU MỘT TRẬN ĐẤU, Đàm Huy Đại tạm biệt các học trò U15 Đà Nẵng sau khi vừa có chiến thắng tại Danang Basketball League Serie B. Từ chối lời mời từ một người bạn, anh muốn về thật sớm để dành thời gian bên cạnh người vợ sắp sinh của mình.
Cái duyên với Đà Nẵng mới xuất hiện cách đó hơn một năm, giờ đây anh đã chuẩn bị chào đón một thành viên mới trong gia đình nhỏ. Lại thêm một lý do để Đàm Huy Đại “bị trói chân” ở lại mảnh đất này, nhưng cũng không dễ dàng gì với một người con sống ở xa quê hương.
“Khi mình ở lại rồi, bây giờ mình có gia đình rồi, mọi thứ cũng ổn định rồi, có thể nói là nhập gia tuỳ tục. Nhưng nhiều lúc cảm thấy rất là nhớ nhà, nhớ bạn bè hay nhớ cái văn hoá sống ở địa phương mình. Thật sự thì ai mà không như vậy”.
Tuy nhiên, đôi chút nhớ nhung sẽ sớm được khoả lấp bởi hai thứ, một là sự hạnh phúc đến từ gia đình, từ vợ và bé gái mới chào đời; hai là niềm đam mê với bóng rổ đang được tiếp tục chắp cánh với một cầu thủ đã bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp.
Ở VBA Draft 2020, cái tên Đàm Huy Đại bất ngờ được xướng lên. Đội bóng lựa chọn anh là Cantho Catfish, tập thể ban đầu anh đã từng cân nhắc để thi đấu từ tận năm 2016.
Nếu mùa ấy VBA có sự kiện tuyển chọn cầu thủ, chắc Đàm Huy Đại sẽ nhanh chóng gật đầu vì một chút duyên nợ với quê hương. Nhưng 4 năm sau, mọi thứ đã khác đi rất nhiều với chàng trai miền Tây đang sống ở Đà Nẵng.
“Khi được Cantho Catfish lựa chọn ở Draft thì mình cảm thấy rất là băn khoăn. Mình đã có 4 mùa giải đánh cho Danang Dragons và dự tính hồi đầu năm của mình cũng rất phân vân, không biết có nên tham dự VBA hay không”.
Không chia sẻ rằng có hay không sẽ tham dự VBA 2020, nhưng với ưu tiên lớn nhất dành cho gia đình, có lẽ Đàm Huy Đại sẽ tạm gác câu chuyện ấy lại. Ngoài ra, anh cũng muốn tập trung thời gian tối đa của mình vào đội trẻ, sản phẩm mà anh đang cực kỳ tâm huyết.
“Khi đã quyết định tham gia VBA thì công việc hiện tại sẽ bị gián đoạn. Nhiều lúc mình rất bận bịu về mặt thời gian nên mọi thứ sẽ phải được suy nghĩ thật kỹ”, Huy Đại chia sẻ.
QUÁ NHIỀU CÁI DUYÊN, Đàm Huy Đại bỗng đã trở thành một phần của Đà Nẵng.
“Thật sự mình không nghĩ tới được. Mình không nghĩ là Đà Nẵng lại cho mình những cơ hội như vầy.
Hồi nhỏ đã yêu thích việc huấn luyện, thích làm một đội trẻ. Nhưng ở miền Tây, để làm được việc này thì mình sẽ phải cạnh tranh rất nhiều vì số người được chọn rất ít.
Như VĐV mỗi đội sẽ có từ 12-15 bạn, nhưng HLV thì chỉ có một người thôi. Vậy nên nhiều lúc suy nghĩ lại, mình cảm thấy từ giai đoạn mình ở lại rồi làm việc đến tận bây giờ khi được làm một đội trẻ như thế này, đó thực sự là một cái duyên”.
Từ câu chuyện một con người tò mò nơi đất khách, từng cái duyên một đã đưa Đàm Huy Đại trở về Đà Nẵng mỗi khi anh rời đi. Ban đầu, có lẽ chính anh sẽ bác bỏ ngay việc Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình.
Theo đuổi bóng rổ từ năm 2004, sự nghiệp của Đàm Huy Đại giờ đây đã bước sang một trang mới: Một gia đình nhỏ, một cuộc sống ổn định và một công việc mơ ước thuở bé thơ của cậu nhóc lớn lên ở Sóc Trăng.
Tất cả đều nhờ vào một thứ mà Đàm Huy Đại gọi nó là cái duyên trời định.
Ảnh: Việt Long, Văn Nhân, Danang Dragons