Kỳ Quan và Hoàng Tuấn đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng ở VBA 2017
VBA 2017 có chi tiết khá thú vị với sự hiện diện của 2 cầu thủ trẻ đang là sinh viên của khoa Khoa học thể thao, ngành Kinh doanh thể thao & tổ chức sự kiện của trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Nguyễn Kỳ Quan (1997) hiện là sinh viên năm II ngành Kinh doanh thể thao & tổ chức sự kiện, trường ĐH Tôn Đức Thắng, VĐV trẻ thuộc biên chế Tuyển Bóng rổ TP.HCM, sắp tới sẽ thi đấu cho HCM City Wings.
Nguyễn Hoàng Tuấn (1998) hiện là sinh viên năm I ngành Kinh doanh thể thao & tổ chức sự kiện, trường ĐH Tôn Đức Thắng, VĐV trẻ thuộc biên chế Tuyển Bóng rổ TP.HCM, sắp tới sẽ thi đấu cho Danang Dragons.
Trong cuộc trò chuyện với webthethao.vn, cả hai đã tâm sự cởi mở từ khát vọng đánh bóng rổ chuyên nghiệp cho đến ảnh hưởng của việc học cùng sự hỗ trợ của nhà trường.
Video: Nguyễn Kỳ Quan vắt chiếc áo đẫm mồ hôi trong buổi tập của Hochiminh City Wings
Nguyên nhân gì dẫn các em tới quyết định đánh bóng rổ chuyên nghiệp?
Nguyễn Hoàng Tuấn: Một phần do em muốn được trải nghiệm do đời cầu thủ ai chẳng muốn một lần đứng trên sân đấu chuyên nghiệp xem không khí như thế nào. Mặt khác do em muốn thử xem sức mình tới đâu, có thể làm được gì…
Nguyễn Kỳ Quan: Em chỉ muốn vượt qua bản thân mình thôi. Em chơi bóng rổ vì đam mê nên muốn được đánh nhiều giải để học hỏi kinh nghiệm.
Ngoài ra em muốn vươn lên trong thế hệ của mình, cố gắng lần lượt vượt qua từng bạn bè cùng trang lứa để mình đánh ngày càng tốt hơn.
Trước quyết định đánh chuyên nghiệp này, gia đình và nhà trường có ủng hộ các em không?
Nguyễn Hoàng Tuấn: Ba lúc nào cũng theo sát em, ngay từ nhỏ đã yêu cầu em phải tập như thế này, thế nọ… Nói một khái niệm đơn giản thì ba em hay nói là nếu muốn tập ném 3 điểm thì nên đứng cách xa vạch 3 điểm để ném tại vì mai mốt đánh chuyên nghiệp sẽ gặp các cầu thủ nước ngoài cao lắm, bự lắm, mình đứng gần sẽ không thể ném được.
Đó là ngay từ nhỏ ba em đã ý thức cho em về việc sau này em sẽ đánh chuyên nghiệp nên em phải tập những điều ấy từ nhỏ, nên việc em đánh chuyên nghiệp được ba mẹ hoàn toàn ủng hộ.
Về phía nhà trường thì nhà trường tạo điều kiện sân bãi cho tập luyện, tổ chức nhiều giải đấu cho em có cơ hội cọ xát.
Nguyễn Kỳ Quan: Khác với Tuấn “nhỏ”, gia đình em không phải không ủng hộ mà là không có ý kiến, cũng không phải là ủng hộ tất cả 100%.
Tại vì gia đình em là gia đình lao động nên lúc nào cũng khuyên em phải chăm chú học thành tài, học hết 12 và học hết Đại học rồi ra trường cho có cái nghề để làm về sau này.
Cho nên lúc em bắt đầu chơi bóng rổ là gia đình đã ngăn cản nhiều rồi, nhưng sau này khi em lên thành phố được tập luyện, được hưởng lương thì em cũng giúp đỡ được gia đình nên mọi người cũng không còn ý kiến gì nhiều, thậm chí từng có lần lên xem em thi đấu. Mọi quyết định chơi bóng rổ đều là do em còn vì gia đình em bận đi làm nhiều quá nên không có thời gian quản việc này.
Về phía nhà trường thì nhà trường hỗ trợ cho em với nhiều sân bãi như sân ở ký túc xá thường có giờ chơi nhiều, tối thường có nhiều sinh viên tới chơi, thời gian chơi thoải mái lại còn mở đèn thường xuyên.
Riêng các ngày 3-5-7 trường có mở lớp phong trào cho các bạn cùng chơi và em cũng có thể lên chơi cũng như tập luyện với các bạn và hỗ trợ cho thầy. Trường cũng tổ chức nhiều giải thi đấu cho em tham gia nhưng em nghĩ nên mở rộng và chất lượng cao hơn nữa.
Người bình thường học chương trình Đại học đã cảm thấy có nhiều khó khăn thì những vận động viên chuyên nghiệp hẳn cảm thấy khó khăn gấp đôi do vừa đi học, vừa phải tập luyện. Vậy hiện việc học ở trường ĐH Tôn Đức Thắng có ảnh hưởng nhiều tới việc tập luyện và thi đấu của các em hay không?
Nguyễn Hoàng Tuấn: Thường thì sau giờ học trên lớp em mới tập nhưng sau đó khi về, em sẽ trích một ít thời gian cho việc học. Tuy nhiên việc này em đã làm quen từ năm lớp 12 rồi. Hồi lớp 12 em cũng học với cường độ rất cao nhưng em ráng thu xếp thời gian biểu hợp lý để rảnh thì chơi bóng rổ, còn vẫn phải tập trung vô việc học.
Nguyễn Kỳ Quan: Việc học ở trường có ảnh hưởng tương đối nhiều tới tập luyện và thi đấu do thường thì em phải dậy sớm để đi học và hàng ngày có thể học từ 2-3 ca. Hơn nữa học xong phải về mà nhà thì xa nên đôi lúc phải về thì cũng hơi cực.
Ngoài ra, thời gian tập bên tuyển thành phố từ 17h đến 19-20h mới xong mà thời gian đó còn là lúc ăn chiều, lại thêm trước đó em vừa đi học về nên nghỉ ngơi để dưỡng sức, để tập luyện cũng hơi khó khăn. Nhưng quan trọng là mình sắp xếp thời gian và nghỉ ngơi hợp lý.
Đều từng trải qua vai trò nhà tổ chức những giải thể thao ở trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng như vai trò cầu thủ tham dự giải thì khi đến với VBA, các em cảm thấy mình có thể vận dụng các kiến thức được học vào thực tế hay không?
Nguyễn Hoàng Tuấn: Theo em thì những điều được học ở ngành Kinh doanh thể thao & tổ chức sự kiện của trường ĐH Tôn Đức Thắng đều có ở VBA, chẳng hạn truyền thông hay makerting…
Do đó nếu ráng học tốt thì sau này ra trường, em có thể xin việc làm ở những nơi như VBA rất đơn giản, nhất là do từng có trải nghiệm thực tế ở môi trường VBA chuyên nghiệp.
Nguyễn Kỳ Quan: Theo em, ngành học của mình xoáy sâu nhiều vào tổ chức sự kiện và tạo cơ hội cho sinh viên được thực tập thường xuyên.
Trong lúc các ngành khác phải tới năm 3-4 thì sinh viên mới đi thực tập, còn ngành Kinh doanh thể thao & tổ chức sự kiện của trường ĐH Tôn Đức Thắng cho sinh viên thực tập ngay từ năm nhất, được tạo cơ hội đi thực tập nhiều nơi để trau dồi kinh nghiệm.
Ngoài ra, nhiều sự kiện trong trường cũng tạo thêm cơ hội cho các sinh viên. Riêng bên VBA em thấy có truyền thông và giải trí rất tốt nhưng sinh viên trường được gửi qua chưa nhiều.
Video: Những trận đấu của Nguyễn Hoàng Tuấn tại giải FIBA 3x3 U18 châu Á
Về vị trí thi đấu, Nguyễn Hoàng Tuấn đánh cho Danang Dragons thì HLV có thể xếp Tuấn đánh combo là “số 1” (PG) với “số 2” (SG). Vị trí “số 1” Tuấn có thể dự bị cho Horrace Nguyễn còn vị trí số 2 là dự bị cho Stefan Nguyễn, Võ Văn Mỹ hoặc Đàm Huy Đại. Như vậy, Tuấn có cảm nghĩ gì khi chuẩn bị sánh vai với những đồng đội mới cũng như có kế hoạch gì cho mùa VBA sắp tới?
Nguyễn Hoàng Tuấn: Đối với bản thân em thì đấu giải chuyên nghiệp này đã là một vinh hạnh rất lớn. Em đã chuẩn bị tinh thần từ rất lâu để được đánh chung với các vận động viên có đẳng cấp như thế, đặc biệt Stefan Nguyễn từng là thần tượng của em một thời lúc anh ấy mới đến Việt Nam thi đấu ở một giải tại Trà Vinh. Chuẩn bị cho VBA, em sẽ cố gắng thủ tốt hơn, phối banh nhiều hơn, tập phối hợp với đồng đội nhiều hơn để ăn ý với nhau và cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ trong đội Danang Dragons. Còn về vị trí của mình, em tin rằng HLV sẽ biết cần sử dụng mình lúc nào.
Một số báo đài, truyền thông tin rằng Nguyễn Hoàng Tuấn là một tài năng lớn của Việt Nam vì dù còn trẻ nhưng em đã có kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhiều rồi. Nhận định đó có vô tình tạo áp lực cho em không, nhất là khi nghe danh em như vậy thì đối thủ sẽ thủ rất rát?
Nguyễn Hoàng Tuấn: Em có nghe vài người nói về việc này nhưng em chưa bao giờ thấy áp lực về điều đó. Vì khi nhiều người nói về em như vậy chỉ càng tạo động lực để em cố gắng thi đấu tốt hơn. Em không hoàn toàn cảm thấy áp lực trong chuyện này.
Về phía Nguyễn Kỳ Quan, Hochiminh City Wings là đội bóng sở hữu dàn nội binh đông đảo và có chiều sâu nhất VBA hiện tại nên phần trăm em ra sân có lẽ còn rất thấp. Em có áp lực và lập ra kế hoạch để cải thiện cơ hội ra sân của mình hay không?
Nguyễn Kỳ Quan: Thật sự em chưa có kế hoạch nào cả vì HLV biết phải dùng mình vào lúc nào. Do đó em chủ yếu chỉ tập luyện nhiều hơn nữa, cải thiện kỹ năng nhiều hơn nữa và học hỏi. Ở mùa giải đầu tiên này, điều quan trọng với em là học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho những năm tới nếu em có cơ hội tiếp tục thi đấu.
Hiện Nguyễn Kỳ Quan đang được tập chung với những cầu thủ nổi tiếng bậc nhất như Chong Paul, Ngô Tuấn Trung hoặc Nguyễn Thành Nhân. Đến nay em đã học hỏi được gì từ các danh thủ đó?
Nguyễn Kỳ Quan: Các anh lớn cũng thường chỉ dạy em rất cặn kẽ, cũng có hướng dẫn những lúc em mất bóng hoặc có những đường chuyền xấu, chỉ dẫn em lúc nào nên dứt điểm hay chuyền bóng cho đồng đội.
Câu hỏi cuối cùng nhé. Các em nghĩ gì nếu có dịp đối đầu với nhau trên sân?
Nguyễn Hoàng Tuấn: Em sẽ nói với Kỳ Quan là nếu có gặp em thì né đi, không là 2 tay dính bảng đó.
Nguyễn Kỳ Quan: Em sẽ bảo là hãy chờ coi, nếu ra sân thủ ở vị trí “số 3” thì em sẽ thủ Tuấn, không cho Tuấn ghi điểm luôn.