Nghịch lý ngoại binh và HLV ngoại ở các giải bóng rổ chuyên nghiệp
Bóng rổ là môn thể thao đồng đội. Mọi thứ sẽ xoay quanh hai đội bóng, mỗi đội có 5 cầu thủ trên sân cùng khoảng 3-4 cầu thủ thường xuyên được ra sân từ ghế dự bị.
Tuỳ thuộc vào tình hình nhân sự mà chiến thuật của mỗi đội cũng khác nhau. Ngoài ra, điểm nhấn từ HLV và người xây dựng đội hình (Giám đốc kỹ thuật) cũng ảnh hưởng nhiều đến phong cách thi đấu.
Tuy nhiên khi nói đến bóng rổ chuyên nghiệp, mọi thứ sẽ không đơn giản như vậy.
Rảo bước vòng quanh nhiều nước trên thế giới, những nơi đang có các giải bóng rổ chuyên nghiệp diễn ra, vị trí HLV hay VĐV người nước ngoài thường được coi là không thể thiếu.
Công thức thường thấy nhất là một đội bóng sở hữu khoảng 8-12 cầu thủ nội (có thể bao gồm 2-4 cầu thủ trẻ), 1-3 ngoại binh và đặc biệt là ở vị trí HLV, rất nhiều nơi chuộng sử dụng “thầy ngoại”.
Vậy vì sao lại có thực trạng này?
TỪ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN TRỞ THÀNH… PHỤ THUỘC VÀ PHẢN ỨNG NGƯỢC
Mục đích ban đầu của việc đưa ngoại binh hay các HLV từ nước ngoài đến một đội bóng rổ nội luôn là để nâng cao chất lượng của đội bóng đó.
Người ta cho rằng khi được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với những người đến từ nền bóng rổ phát triển hơn, bóng rổ ở nước sở tại sẽ phát triển. Đây là nước đi đúng và thực sự có hiệu quả. Đó là lý do vì sao nó vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay.
Tuy nhiên, khi khoảng cách về trình độ là quá xa giữa nội binh và ngoại binh, điều này sẽ mang đến đôi chút phản tác dụng. Với các HLV, những giáo án hay kinh nghiệm huấn luyện từ nước ngoài cũng chưa chắc đã phù hợp với cầu thủ nội.
Ví dụ tiêu biểu nhất là trường hợp HLV Brian Rowsom dẫn dắt HCM City Wings tại VBA 2018. Dù được đánh giá là một vị thuyền trưởng có tài, thế nhưng HCM City Wings dưới sự dẫn dắt của ông chỉ để lại nỗi thất vọng.
Rốt cuộc đội chủ sân Hồ Xuân Hương thay thế ông bằng một HLV nội, ông Hứa Phong Hảo. Sau mùa giải VBA 2018 không thành công, ông Brian Rowsom vẫn được CLB CLS Knights tin tưởng trao vị trí HLV cho mùa giải ABL 2018-19, cuối cùng ông giúp đội bóng Indonesia lên ngôi vô địch ở một đấu trường khắc nghiệt hơn VBA rất nhiều.
Nếu họ hợp tác và theo dõi sát sao cùng một đội ngũ được đầu tư kỹ lưỡng về chuyên môn, điểm dung hoà sẽ giúp các nội binh phát triển. Nhưng trong trường hợp ngược lại, các cầu thủ nội sẽ phải đối mặt với chấn thương và đe doạ đến cả sự nghiệp thi đấu.
Với các VĐV nước ngoài, rất nhiều cầu thủ đến thi đấu và mang theo đó là tinh thần tập luyện chuyên nghiệp.
Vẫn luôn có các ngoại binh đến từ Mỹ hay châu Âu đến một nước và thi đấu với tinh thần quyết tâm, với đam mê vượt xa hơn câu chuyện kiếm tiền. Họ dần trở thành những hình mẫu để các VĐV trong nước noi theo.
Nhưng rồi cũng không khó để nhìn thấy những câu chuyện ngoại binh khó tính với các cầu thủ nội. Thậm chí là tỏ ra trịch thượng và tách biệt hoàn toàn với những người đồng đội của họ.
Biết rằng ngoại binh luôn đóng vai trò rất lớn trong các trận đấu. Họ thường chiếm khoảng 30-40, thậm chí là 50% số điểm của một đội (số liệu tham khảo từ một số giải đấu trên thế giới có sử dụng từ 1-2 ngoại binh).
Thế nhưng, câu chuyện buồn vẫn còn đó khi sự cần thiết về ngoại binh đã trở nên phụ thuộc rồi dần thành lệ thuộc...
Những trung phong ngoại binh dẫn đầu mọi chỉ số ở 2 đầu sân, từ ghi điểm, rebound, block, đôi khi là cả assist. Khi rơi vào thế khó, các HLV thường yêu cầu đưa bóng cho ngoại binh và vì thế sự phụ thuộc lớn lên theo từng ngày.
Theo thống kê không chính thức, có trên 90% trận đấu tại VBA ngoại binh đứng top ghi điểm và rebound. Sau 4 mùa giải, 70% số trận đấu có MVP là ngoại binh, số còn lại là Việt kiều và rất hiếm khi nội binh được xướng tên.
CÓ THỂ MẤT NHIỀU HƠN ĐƯỢC, NHƯNG VẪN RẤT CẦN NGOẠI BINH
Trong một lần phỏng vấn Đinh Thanh Tâm, nhà vô địch VBA 2018 và là MVP của VBA mùa giải 2019, Webthethao đã hỏi rằng Tâm Đinh đang làm thế nào để giúp bóng rổ Việt Nam phát triển.
Ngôi sao của Cantho Catfish đáp lại rằng anh luôn muốn nâng tầm VBA, giải bóng rổ chuyên nghiệp mà Việt Nam đang tổ chức.
Nếu các nội binh cứ thi đấu với nhau ở các giải quốc gia và không có sự cọ xát với VĐV nước ngoài, họ sẽ khó phát triển hoặc phát triển rất chậm.
Ở VBA, Tâm Đinh cũng chia sẻ thêm rằng anh luôn muốn các đồng đội phải cải thiện mình. Là một nội binh, hãy cố gắng vượt qua các cầu thủ Việt kiều. Là cầu thủ Việt kiều, hãy thử sức mình với các ngoại binh cao lớn.
Tâm Đinh trong một tình huống theo kèm ngoại binh Zachary Allmon - Ảnh: Việt Long
Trong thể thao, sự ganh đua sẽ luôn giúp VĐV phát triển. Khi đưa đến tập thể một cá nhân nổi trội hơn, có thể cả tập thể sẽ cùng đi lên để bắt kịp và nỗ lực vượt qua cá nhân nổi trội ấy.
Lý giải của Đinh Thanh Tâm như thay lời giải thích vì sao các giải đấu bóng rổ luôn cần VĐV hay HLV người nước ngoài. Dù thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là những nhân tố không thể thiếu và chưa thể thay thế cho đến khi khoảnh cách về trình độ được thu hẹp.
Tuy nhiên, để giữ được sự cân bằng giữa phát triển một tập thể và tránh việc “phá nhiều hơn làm” sẽ là một thử thách hoàn toàn khác.