Phan Minh Luyến - gã chở rau 20 năm chinh chiến tuyển quốc gia
Phan Minh Luyến một ngôi sao lớn trải qua biết bao thăng trầm cùng với trái bóng cam, làm thuê mướn, chở rau,… tất cả để theo đuổi đến cùng niềm đam mê của cuộc đời.
Thang Long Warriors kết thúc VBA 2017 với chức vô địch, đó là thành công lớn với một đội bóng tân binh chân ướt chân ráo bước vào giải đấu.
Người ta nhắc nhiều về sức mạnh tới từ Nguyễn Văn Hùng, tốc độ và chấn thương đáng tiếc của Nguyễn Xuân Quốc, những cú ném 3 điểm của Tô Quang Trung hay sự dũng mãnh tới từ Jaywuan Hill. Chắc hẳn, hiếm người nhớ tới cầu thủ nhiều tuổi nhất đội, Phan Minh Luyến.
Cũng phải thôi, cầu thủ mang áo số 19 ít có cơ hội được ra sân thể hiện. Anh phải nhường sân khấu cho những cầu thủ trẻ. Nhưng những ai tinh ý theo dõi cầu thủ đã gần 40 tuổi này thi đấu vẫn thấy được trong anh cái chất nghệ sỹ cùng những tình huống đột phá chuyền ra đẹp mắt.
Chàng nông dân với khát vọng chơi bóng
Chỉ tiếc rằng, đó là mùa giải cuối cùng mà Phan Minh Luyến còn thi đấu. Anh đã quyết định giải nghệ để lo cho gia đình nhỏ bé của mình. "Phải nghỉ thôi, Luyến đã chơi bóng đủ lâu rồi, vẫn còn muốn ra sân thi đấu, vẫn còn muốn được cống hiến nhưng phải lo cho vợ và 3 đứa nhóc ở nhà nữa," nhà đương kim vô địch VBA thành thật chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên từ cái nôi bóng rổ Sóc Trăng, chẳng dễ để một cầu thủ có thể hình không quá nổi bật như Phan Minh Luyến có thể tồn tại và chiếm chỗ đứng vững chắc trong đội.
Vượt qua vô số giai đoạn thăng trầm, Phan Minh Luyến trở thành trụ cột và có đóng góp rất lớn trong việc đưa bóng rổ Sóc Trăng trở nên hùng mạnh. Đã có những thời điểm chỉ Sóc Trăng mới có thể là đối trọng của tuyển Tp. Hồ Chí Minh.
Thế rồi áp lực cơm áo gạo tiền buộc anh phải có bước ngoặt lớn: "Nói thật thì mình đúng là một anh nông dân chơi bóng rổ. Trồng lúa, nuôi vịt và khi có giải thì tập trung cùng cả đội để đánh. Nhưng mình muốn được thi đấu nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn".
Đam mê và nỗi lo cơm áo gạo tiền
Đó là thời điểm cuối năm 2008, Phan Minh Luyến chia tay đội tuyển Sóc Trăng và lên Sài Gòn đầu quân cho Joton, đội bóng tập trung tất cả các anh hào thời bấy giờ. Dẫu vậy, mức lương tại Joton cũng không đủ để cầu thủ này trang trải cuộc sống giữa chốn thị thành.
"Sáng mình đi làm thuê ở cửa hàng bán xe gắn máy, chiều đi dạy bóng rổ, tối tập cùng Joton. Vất vả nhưng vui và cũng đủ điều kiện để thỏa mãn đam mê". Tuy nhiên, 6 năm cống hiến cho Joton với vô số những danh hiệu lớn nhỏ cũng là lúc sóng gió ập tới với hậu vệ người Sóc Trăng.
Joton giải thể vào năm 2015 là một trong những nguyên nhân đẩy Phan Minh Luyến vào bước đường hết sức khó khăn. Dù anh được Saigon Heat chiêu mộ về đánh ABL mùa giải năm đó nhưng việc khoác áo "ông 30" chỉ hoàn toàn mang tính chất thời vụ. VBA thời điểm đó cũng chưa ra đời.
"Mình làm đủ mọi nghề để kiếm sống, có những lúc khó khăn cùng cực như bị dồn vào bước đường cùng. Phải lái xe cả đêm chở rau đi đổ các chợ đầu mối Sài Gòn, rồi đi tập bóng rổ ban ngày có khi chẳng ngủ," Phan Minh Luyến tâm sự.
Quãng thời gian đó, cầu thủ người Sóc Trăng đã có vợ đang mang bầu sinh đôi. Bất ngờ cơ hội chơi bóng rổ chuyên nghiệp lại hé mở, khi bầu Tú của HCM City Wings muốn anh tiếp tục thi đấu tại VBA 2016.
"Mình đồng ý ngay, lương bao nhiêu cũng đồng ý. Đối với mình bóng rổ không phải là một công việc kiếm ra tiền. Mình được chơi, được thêm một khoản tiền hỗ trợ thì dại gì mà không đánh". Tuy nhiên, Phan Minh Luyến lại có một yêu cầu chắc hẳn khiến bầu Tú phải ngỡ ngàng.
"Còn công việc kiếm sống bên ngoài, mình có nói với bầu Tú là không thể tập cùng đội. Chỉ khi nào đánh thì mình đi, thế mà cũng được đồng ý. Nhưng không tập thì HLV Mika cũng không cho ra sân nhiều, đó là điều đáng tiếc vì mình đánh vẫn tốt".
Thế rồi mùa giải năm đó, HCM City Wings dù được đánh giá rất cao vẫn lỗi hẹn với chức vô địch. Còn đối với Phan Minh Luyến, sau khi cuộc chơi dừng lại cũng là lúc anh tiếp tục mưu sinh với đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình với vợ và 2 con nhỏ sinh đôi.
Cơ duyên và vận may đã mỉm cười
Nhưng cái duyên với bóng rổ chưa dứt, Phan Minh Luyến tình cờ có cơ hội tiếp xúc với ông bà chủ Thang Long Warriors và anh lại có thêm cơ hội để cháy hết mình với trái bóng cam.
"Nhìn hoàn cảnh của Luyến mà tôi xúc động rơi nước mắt, cậu ấy là một cầu thủ giỏi. Luyến khoác áo đội tuyển Việt Nam từ SEA Games 2001 tới giờ nhưng phải đi chở rau kiếm sống. Tôi muốn Luyến thi đấu một mùa giải cuối cùng cho Thang Long trước khi giải nghệ," ông Trung Trần - chồng bà Tracy Thư Lương tâm sự.
"Vợ luôn hiểu và ủng hộ với khát khao thi đấu của mình. Ra Bắc gần 4 tháng, đó là quãng thời gian xa nhà lâu nhất, cũng là khoảng thời gian mình tập luyện chuyên nghiệp liên tục lâu nhất," Phan Minh Luyến nhớ lại.
Chức vô địch VBA 2017 là cái kết viên mãn cho sự nghiệp của Phan Minh Luyến. Nhưng hơn hết, khát khao của anh với trái bóng cam đã được đền đáp. Cầu thủ người Sóc Trăng được giới thiệu một công việc ổn định tại Audi. Anh cũng sắp là người quản lý một cơ sở đào tạo của Thang Long Warriors tại Tp.Hồ Chí Minh.
"Mình rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Cảm ơn Thang Long Warriors và ông bà chủ đội bóng đã luôn tạo điều kiện tốt nhất, không chỉ cho mình, mà còn các cầu thủ khác nữa".
Khát vọng và giấc mơ đổi đời của chàng nông dân chơi bóng đã trở thành sự thật. Đó thực sự là điều mà rất nhiều cầu thủ khác đều mong muốn: Một sự nghiệp đỉnh cao và một cuộc sống ổn định, không còn phải trăn trở, xoay sở tính kế sinh nhai!