VBA 2016 - sân chơi nhà nghề đầu tiên cho "những người khổng lồ"
Lần đầu tiên, bóng rổ Việt Nam có một giải đấu chuyên nghiệp với mục tiêu đưa trò chơi của "những người khổng lồ" trở thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam.
VBA 2016 ra đời
Sau khi đội Saigon Heat tạo tiếng vang tại giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL), giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam – VBA 2016 được khai sinh nhằm tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp và uy tín cho nền bóng rổ nước nhà.
Sự kiện đáng chú ý nhất trong quá trình hình thành VBA 2016 là cuộc gặp mặt của 5 ông chủ sở hữu 5 đội bóng rổ gồm có Hanoi Buffaloes, Cantho Catfish, Danang Dragons, Hochiminh City Wings và Saigon Heat vào ngày 06/07/2016 tại TP.HCM.
Tại buổi gặp mặt có phần kín tiếng với truyền thông này, các ông chủ đã cam kết tham dự VBA 2016 và góp mặt ở giải đấu này tối thiểu trong 3 năm. Điều này nhằm tránh tình trạng các đội bóng sẽ bỏ cuộc giữa chừng.
Về chuyên môn, mỗi đội bóng tham gia VBA sẽ bao gồm tối đa 1 cầu thủ nước ngoài, 2 cầu thủ gốc Việt và 10–12 cầu thủ nội được tuyển chọn rất kỹ lưỡng nhằm đảm bảo sự cân bằng về lực lượng giữa các đội bóng. Đồng thời, kinh phí hoạt động của mỗi đội ước khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Như kế hoạch, VBA 2016 sẽ khởi tranh vào ngày 06/08 và khép lại bằng trận chung kết thứ 3 vào ngày thứ Tư 16/11/2016. Giải tổ chức ở 4 thành phố lớn TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng với sự tham dự của 5 đội thi đấu theo thể thức đánh vòng tròn 4 lượt (mỗi cặp gặp nhau 4 lần).
Sau đó, VBA sẽ diễn ra các lượt đấu Play-off giữa 4 đội đứng đầu để tranh ngôi vô địch. Vì các trận đấu diễn ra ở nhiều địa phương, giá vé cũng không thống nhất. Được biết Saigon Heat có mức giá cao nhất, dao động từ 392.000 đồng-5.040.000 đồng để xem cả 8 trận trên sân nhà CIS. Trong lúc đó, Cantho Catfish chỉ mời chào vé trọn gói từ 280.000 đồng-3.920.000 đồng, còn Danang Dragons là 336.000 đồng-3.920.000 đồng.
Một cột mốc lịch sử
Với 9 năm chơi bóng rổ đỉnh cao, huyền thoại taekwondo Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nhận định: “Giải VBA 2016 là một cột mốc lịch sử, bước phát triển đột phá cho tương lai bóng rổ Việt Nam”.
Hiện tại, Nguyễn Văn Hùng đang thuộc biên chế đội Saigon Heat, một trong 5 đội bóng tham dự VBA 2016. Qua cuộc trao đổi với Webthethao.vn, Nguyễn Văn Hùng đã có những chia sẻ về VBA 2016 từ chuyện tuyển quân, tương quan lực lượng các đội cho đến cách thức hoạt động rất chuyên nghiệp.
“Tại giải nhà nghề bóng rổ Việt Nam đầu tiên này, Liên đoàn bóng rổ Việt Nam đã có một ê kíp chuẩn bị sẵn để đi tuyển chọn các VĐV. Các VĐV Việt Nam đã được chọn thông qua thể hiện ở các giải VĐQG và Cúp Liên đoàn, chưa kể còn được tuyển chọn ở nhiều địa điểm trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…", Nguyễn Văn Hùng cho biết.
"Sau đó, những cầu thủ thông qua tuyển chọn được chia đều cho các đội. Các VĐV Việt kiều được điều phối 1-2 người cho mỗi đội thì người ta cũng chọn từ các nước để đưa về. Các cầu thủ nước ngoài cũng được chọn như vậy. Mỗi đội được phép có 1 ngoại binh và người ta chia đều ra các đội. Thế nên tôi thấy lực lượng giữa các đội khá đồng đều, không có chênh lệch nhiều”, Nguyễn Văn Hùng phân tích.
Nguyễn Văn Hùng còn tiết lộ: “Phương hướng chung của các đội như Saigon Heat thì người ta muốn phát triển cho tương lai bóng rổ Việt Nam nên có những tính toán xa hơn, chứ không chỉ hài lòng với những trận đấu ở trong nước, không chỉ dừng lại ở đẳng cấp ĐNÁ mà vươn ra xa nữa. Đó là điều tôi nhìn thấy được. Trong tương lai, bóng rổ Việt Nam sẽ phát triển hơn rất nhiều”.
Nguyễn Văn Hùng nói về VBA 2016:
Đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp
“Về công tác tổ chức, tôi công nhận là Liên đoàn bóng rổ VN có một ê kịp cực kỳ chuyên nghiệp. Các bạn xem NBA như thế nào thì giải bóng rổ chuyên nghiệp này y chang như thế. Từ vấn đề nhỏ nhất, nước uống, sân khấu, bàn tính điểm…
Họ có đội ngũ nhân viên rất đông để có thể hỗ trợ nhau làm mọi vấn đề, từ âm thanh ánh sáng đến nhóm nhảy và giao lưu với khán giả. Đặc biệt, tất cả nhà thi đấu đều sử dụng hệ thống máy lạnh, sàn thi đấu đẹp. Đơn giản đi tập thôi mà đều tập dưới máy lạnh, có thể thấy cực kỳ chuyên nghiệp”.
5 HLV nước ngoài chuyên nghiệp
“Về HLV nước ngoài, tôi là VĐV taekwondo chuyên nghiệp và làm HLV, nhưng thấy phải học hỏi rất nhiều. Họ có chuyên gia thể lực riêng, một bác sỹ riêng theo đội, 2 trợ lý HLV và chương trình làm bằng tiếng Anh – tiếng Việt. Chương trình làm cả chu kỳ chứ không thay đổi thế này thế kia. Ít nhất là ở Saigon Heat đã cho thấy điều ấy. Các đội khác chuyên nghiệp không kém”.