VBA bị hoãn, ai là người chịu thiệt nhất?
Không nằm ngoài dự đoán, VBA 2020 đã chính thức hoãn mùa giải tới cuối năm. Đây là quyết định bất khả kháng khi mà HLV, cầu thủ nước ngoài và Việt kiều vẫn chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam do COVID-19.
Thế nhưng sự lựa chọn được cho là khó khăn của VBA, lại vô tình đẩy rất nhiều trường hợp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhìn thấy rõ nhất là 7 đội bóng VBA, cho tới rất nhiều cá nhân trong Ban tổ chức, Ban huấn luyện và nhất là các cầu thủ gặp phải tình huống khó xử.
Như đã biết, VBA chỉ diễn ra trong 4 tháng, rất nhiều cầu thủ phải xin nghỉ làm, nghỉ học để có thể tham dự giải đấu. Giờ đây họ không biết phải giải bài toán chờ đợi như thế nào?
Thay vì tập luyện, thi đấu, giờ đây đa số cầu thủ không biết phải làm gì trong những tháng tới. Có rất nhiều cầu thủ bắt đầu nhận dạy học bóng rổ, hay làm những công việc thời vụ trong lúc chờ VBA 2020 có thể khởi tranh. Và đương nhiên mức lương của những công việc đó chỉ giúp họ trang trải phần nào cuộc sống.
Ngay cả khi VBA 2020 chắc chắn trở lại, họ liệu có đủ can đảm để tiếp tục nghỉ học, nghỉ làm theo đuổi đam mê của mình sau 4 tháng lỡ dở? Đó là câu hỏi cần thời gian để trả lời, thế nhưng kịch bản về những lời chia tay là điều đã được dự đoán trước.
Đối với các đội bóng, sau thời gian tập luyện cầm chừng chờ thông tin, giờ là lúc họ giải tán các cầu thủ. Vậy thì tiền chi phí ăn ở đi lại của các cầu thủ xa nhà, tiền thuê sân,... ai sẽ phải chịu?
Với một giải đấu như VBA, việc trì hoãn cả mùa giải ảnh hưởng không nhỏ tới những đội bóng và cá nhân. Thế nhưng đó là bài toán chỉ có duy nhất một đáp án, và rốt cuộc cầu thủ lại là những người chịu thiệt!