Gladius và Pilum bộ đôi trên chiến trường La Mã
Pilum
Pilum là món vũ khí quan trọng của người La Mã
Khác với những loại giáo ta thường thấy, Pilum có thiết kế đặc biệt. Chiều dài trung bình khoảng 2m và được chia ra làm hai phần. Phần thân được làm bằng gỗ, phần mũi là một thanh thép dài khoảng 60cm và dày khoảng 7mm, mũi thép được tạo hình kim cương và có ngạnh để móc vào mục tiêu. Pilum có trọng lượng từ 0.9kg tới 2.3kg, tuy vậy phần thanh thép chỉ có phần mũi là được tôi luyện cứng để đâm xuyên vật, còn phần thân thép không được tôi luyện rất dễ cong, gãy khi va chạm.
Thực tế, thân mũi thép yếu không phải là do kỹ thuật luyện kim yếu của La Mã, trái lại La Mã thời kỳ trước là đế chế dẫn đầu về khoa học công nghệ xây dựng và quân sự, một quốc gia dẫn đầu về cả xây dựng và quân sự thì chắc chắn chẳng phải một quốc gia yếu về luyện kim. Yếu tố khiến các thợ rèn đặc chế loại mũi giáo đặc biệt này chính là ở tính "chịu chơi" của quân đội La Mã. Theo lý thuyết, khi mũi giáo được phóng đi, phần mũi giáo sẽ dễ dàng xuyên thủng mọi vật cản, nhưng bù lại, phần thân giáo sẽ bị cong, gãy để khiến cho kẻ thù dù bí bách cũng không thể "tái sử dụng" vũ khí của La Mã.
Về cấu tạo và tính chất thì Pilum được xem như một loại giáo để phóng nên đa phần khi quân La Mã dàn trận thì pilum sẽ là vũ khí đầu tiên được đưa ra sử dụng. Do thiết kế mũi giáo hình kim cương và có ngạnh nên khi phóng vào khiên kẻ thù, mũi giáo sẽ mắc vào vào khiên và tạo ra một lỗ hổng trên khiên, nhờ đó nên các tấm khiên thiếu độ kết nối và dễ bị phá hủy. Có một số trường hợp được ghi nhận rằng Pilum có thể xuyên qua tấm khiên và ghim vào kẻ thù đứng sau. Khi những ngọn giáo Pilum được phóng ra, lực lương La Mã sẽ bắt đầu xếp khiên vào nhau và bắt đầu tiến lên. Khi giáo rời đi thì họ sẽ dùng đến một thứ vũ khí khác là kiếm, và người La Mã cũng đã tạo ra một thanh kiếm cho riêng quân đội mình là gladius.
Gladius
Thời gian đầu người La Mã sử dụng loại kiếm khá giống của người Hy Lạp gọi là xiphos, tới thế kỷ thứ 3 trước công nguyên họ đã thay thế nó bằng một loại kiếm mới gọi là gladius. Theo như Gaius Marius, một tướng lĩnh kiêm chính khách nổi tiếng của La Mã thì mỗi một chiến binh thành Rome sẽ được trang bị vũ khí tiêu chuẩn bao gồm khiên (scutum), một hoặc hai giáo phóng (pilum), một thanh kiếm (gladius) và một con dao được gọi là pugio.
Gladius có chiều dài khoảng 60cm tới 85cm, chiều dài lưỡi kiếm khoảng 45cm tới 85cm, độ rộng từ 5cm tới 7cm và cân nặng khoảng 0,7kg tới 1kg, ở một số tài liệu thì nặng vào khoảng 1,5kg. Phần cán và chuôi kiếm thường được làm bằng gỗ, phần lưỡi kiếm được làm bằng thép. Vì người La Mã đã có khả năng luyện kim khá tốt, những thanh Gladius đã có thể được luyện trong nhiệt độ khoảng 1000oC, đây cũng là lý do khiến Gladius cứng cáp và bền bỉ hơn mọi loại kiếm thép khác trong cùng thời đại.
Mỗi một chiến binh thành Rome sẽ được trang bị vũ khí tiêu chuẩn bao gồm khiên (scutum), một hoặc hai giáo phóng (pilum), một thanh kiếm (gladius) và một con dao được gọi là pugio.
Ngoài chiến trường khi pilum đã được phóng ra và làm hỏng tấm khiên kẻ địch thì cũng là lúc gladius phát huy tối đa khả năng của nó. Bằng kết cấu thép chắc chắn, gladius cực kỳ thích hợp để đâm chém ở khoảng cách gần và với việc những tấm khiên đã bị vô hiệu hóa thì gladius thể hiện khả năng của mình rõ hơn bao giờ hết.Kỹ thuật của gladius phần nhiều là đâm và với thiết kế phần lưỡi rộng của mình những vết thương mà gladius tạo ra thật sự rất nghiêm trọng.
Theo thời gian gladius đã được phát triển lên nhiều phiên bản khác nhau nhưng những thiết kế đặc trưng ban đầu vẫn được giữ lại.
Lịch sử quân sự La Mã đã tạo nên nhiều món vũ khí nổi tiếng và cực kỳ hiệu quả, Pilum và Gladius có thể xem như một bộ đôi luôn được sử dụng chung với nhau xuyên suốt thời kỳ La Mã ngày xưa, nó cũng là minh chứng cho sự vĩ đại của khoa học quân sự La Mã trong lịch sử thế giới.