Trùm đồ cổ Hà Lan ngạc nhiên và tiếc nuối về vũ khí cổ của người Việt
Khởi nghiệp với tư cách đơn giản là một người yêu vũ khí cổ, Peter Dekker dần chuyển hướng từ vũ khí châu Âu sang nghiên cứu vũ khí châu Á.
“Tôi nghĩ một phần là do ảnh hưởng từ những bộ phim đề tài Kungfu và Ninja tôi xem lúc còn bé. Khoảng 10 tuổi, tôi sở hữu một thanh kiếm thô sơ, có lẽ được dập phẳng từ ống thép. Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với những buổi xem trộm giờ làm việc của các thợ rèn trong vùng, trong số đó có cả bạn bè của ba mẹ tôi nữa. 12 tuổi, tôi được quyền sở hữu thanh kiếm đầu tiên, nhưng chỉ được rút nó ra khi được cha mẹ giám sát.”
Sau nhiều năm tự tìm tòi và nghiên cứu, năm 2005 Peter Dekker bắt đầu dấn thân vào việc săn lùng vũ khí cổ, đặc biệt là các mẫu vũ khí đến từ châu Á. Anh lập ra thương hiệu Mandarin Mansion và gần mười năm sau, anh từ bỏ công việc cũ để dành toàn bộ thời gian cho công việc sưu tầm, phục chế và mua bán vũ khí cổ. Ban đầu, thậm chí anh chỉ xem việc kinh doanh vũ khí cổ là cách để anh có thể tận tay tận mắt chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm vũ khí hơn nữa.
Thanh gươm Việt đầu tiên Peter Dekker sở hữu
Với Dekker, vũ khí cổ không chỉ là công cụ chém giết. Nó phản ánh cả nền văn hóa, thẩm mỹ, kỹ thuật luyện kim của các nền văn minh trong từng giai đoạn lịch sử.
Chia sẻ với thành viên Webthethao.VN về vũ khí cổ, Peter Dekker nhận định:
“Tôi thực sự ấn tượng với trình độ chế tác của các mẫu vũ khí cổ đến từ Việt Nam. Tôi đã từng sở hữu vài thanh đao kiếm đến từ Việt Nam và hiện đang được chia sẻ trong hệ thống giữa các nhà sưu tầm giống như tôi. Dựa trên nghiên cứu cá nhân, tôi cho rằng vũ khí cổ của người Việt chịu ảnh hưởng cực kỳ to lớn từ văn hóa Trung Quốc nhưng lại có kỹ nghệ chế tác với trình độ thẩm mỹ cao hơn rất nhiều. Dĩ nhiên, không thể so sánh được với Ấn Độ - nơi xuất xứ của những vũ khí khảm đầy vàng, ngọc hay ngà voi.
Về kỹ thuật luyện kim, vũ khí Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc hay Nhật Bản. Thậm chí, một số mẫu vũ khí từ khoảng thế kỷ 17 - 18 được chế tác với trình độ luyện kim tốt đến nỗi nó bị nhầm lẫn với các mẫu vũ khí Nhật Bản.”
Một mẫu kiếm được chế tác tinh xảo với phần cán bằng ngà voi. Peter Dekker khẳng định trình độ chế tác vũ khí cổ của Việt Nam không thua kém bất cứ nền văn minh nào khác trong khu vực
Do nhiều yếu tố lịch sử - chiến tranh, Việt Nam là một trong số những quốc gia châu Á không còn lưu giữ được nhiều tài liệu hay mẫu vật về vũ khí cổ. Theo ông Robert Taylor - Chủ nhân Bảo tàng vũ khí cổ Vũng Tàu - thì vũ khí cổ Việt Nam bị thực dân Pháp lấy đi khá nhiều trong thời thuộc địa. Mặt khác, trong thời đầu của những cuộc khởi nghĩa, rất nhiều vũ khí cổ được đem ra sử dụng trở lại và hư mòn dần theo thời gian.
“Tôi đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về vũ khí cổ Việt Nam và phải đối vặt với thực tế rằng kho tàng di vật ấy đã bị tàn phá nặng nề. Người Việt hiểu nhiều về lịch sử của họ nhưng lại biết rất ít về việc họ đã từng có một kho tàng vũ khí cổ tuyệt vời đến mức nào,” Ông Robert Taylor nhận định.
Nhà sưu tầm và nghiên cứu Peter Dekker cũng có chung nhận định trên. Ông khẳng định bản thân luôn cảm thấy tiếc nuối khi biết rằng một nền vũ khí cổ như Việt Nam lại bị tàn phá theo thời gian.
“Đặc trưng vũ khí cổ của Việt Nam là sự hòa hợp của rất nhiều trường phái thẩm mỹ, tư duy chế tác và kỹ thuật luyện kim. Trong nhiều thế kỷ, Việt Nam là một điểm giao thương quan trọng, vậy nên trong các mẫu khí của người Việt, ta có thể thấy trình độ luyện kim của người Nhật, gu thẩm mỹ của người Trung Hoa nhưng có biên dạng thiết kế mang đậm hưởng từ châu Âu. Không nơi đâu ngoài Việt Nam có những mẫu vũ khí cổ có khả năng kết hợp một cách điên rồ nhưng hiệu quả đến vậy.
Từng chi tiết, từng hoa văn trên mỗi mẫu vũ khí cổ đều có thể là một bằng chứng thú vị về văn hóa Việt Nam thời trung đại
Tôi nhận thấy rằng có một số rào cản pháp lý khiến cho những mẫu vũ khí cổ bị “lưu lạc” khỏi Việt Nam sẽ vĩnh viễn không thể trở về đất Việt, dù là với những viện bảo tàng hay nhà sưu tầm vũ khí cá nhân. Với tư cách một nhà sưu tầm ngoại quốc, tôi chỉ có thể đưa ra khuyến nghị rằng các cơ chế quản lý của nhà nước nên kết nối cùng với những đơn vị như vậy để đưa vũ khí cổ của Việt trở lại. Có thể đó là một hành trình gian nan và bất tận, nhưng hãy tận hưởng hành trình đó.”
Peter Dekker tin rằng việc sưu tầm vũ khí cổ có thể giúp ích rất nhiều trong việc giáo dục lịch sử và nghiên cứu lịch sử văn hóa
Đã đến lúc phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong bối cảnh người trẻ Việt đang dần thờ ơ với lịch sử và sự thật rằng trong các yếu tố lịch sử, vũ khí cổ là phần bị lãng quên và tổn thất nhiều nhất. Không phải tự nhiên mà ngành nghiên cứu lịch sử và cổ vật tồn tại. Nó mang ý nghĩa giải trí với một số ít người, nhưng là bài học lịch sử của cả một nền văn minh. Vũ khí cổ cũng là công cụ giáo dục lịch sử, là hiện thân của một nền văn hóa đầy thành tựu.
Và nếu như cả những nhà sưu tầm ngoại quốc cũng cảm thấy đáng tiếc khi người Việt không còn biết nhiều về vũ khí cổ của chính dân tộc mình, vì sao người Việt vẫn chưa hành động? Đến bao giờ những chế tác mang cả linh hồn văn hóa Việt mới thôi trổi nổi giữa những tay sưu tầm ngoại quốc, những bảo tàng ở châu Âu chứ không phải tại Việt Nam?