Đua xe Offroad: Thế giới của… đàn ông
Cùng chiến xa vượt qua mọi gian khó
Tất cả các tay đua offroad đều gọi chiếc xe của mình là chiến xa. Bởi chỉ có chiến xa chứ không phải là chiếc xe ô tô mới vượt qua được những địa hình “kinh khủng” được tạo ra để thử thách lòng quả cảm, sự kiên nhẫn, hiểu biết về chiến mã của mình.
Có mặt tại giải đấu Vietnam Offroad Cup 2015 vừa diễn ra vào những ngày đầu tháng 7 rực lửa tại Đồng Mô (Hà Nội), tôi được trải qua rất nhiều cảm xúc. Nhưng tất thảy gói gọn trong hai chữ: “Điên” và “Đẹp”.
Trên địa hình “bẩn kinh khủng” với toàn bùn đất, các chiến xa tung hoành ngang dọc với sự cổ vũ cũng khá “điên cuồng” của nhiều chân dài, gia đình của các xế và giới báo chí.
Chiếc xe chỉ là phương tiện để người chơi offroad biểu diễn nhưng kỹ thuật lái tuyệt vời nhất, khó khăn nhất. Cứ thử tưởng tượng là bánh xe trượt dài trên con đường bùn lầy, trơn như bôi mỡ, thế mà xe vẫn phóng vèo vèo, vượt chướng ngại vật ngoạn mục. Chỉ sau 1-2 phần thi, các xe dù đẹp đẽ hào nhoáng đến mấy cũng như “con trâu” đẫm bùn, đất.
Có 3 bài thi trong ngày thứ nhất dành cho cả ba hạng thi đấu: Bán tải cơ bản, nguyên bản, bán chuyên, và một hạng trình diễn. Trong đó, bài thi thứ nhất về tốc độ dành cho cả ba hạng được đánh giá là ít phức tạp khi chỉ đòi hỏi kỹ năng kiểm soát tốc độ trong đường offroad đảm bảo kiểm soát tốc độ khi vào cua, đi đường zíc zắc.
Buổi chiều, cơn giông chợt đến đã làm cuộc đua từ thử thách trở thành “nghiệt ngã”. Nhưng “dân chơi không sợ mưa rơi”, cuộc đua càng diễn ra trong sự hào hứng đến mức “điên” của cả các xế, trọng tài lẫn người hâm mộ. Người cổ vũ cũng “bẩn như trâu” với bùn đất bắn khắp nơi.
Bài thi số 2 yêu cầu các tay đua phải xuống hố góc thoát đáy hố 60 độ lên vào đường bập bênh vòng vèo và về đích. Không ít xe đua đã phải … chào thua.
Bài thi thứ 3, các tay đua phải vượt qua thử thách đi nghiêng xe 35-40 độ trước khi về đích. Trên địa hình trơn trượt và hiểm hóc như vậy, bài thi này đòi hỏi sự bình tĩnh và thần kinh thép, kỹ năng tuyệt vời để kiểm soát xe trơn trượt tốt khi đi nghiêng xe qua địa hình khó khăn cũng như khả năng đặt bánh chính xác khi đi qua cầu tạm bằng cây gỗ.
Bài thi số 4 thật sự kinh khủng. Việc thể hiện trình độ không còn là ưu tiên. Ở bài thi này, các xe tham gia thi sẽ phải vượt suối, vượt rừng cây và nhiều chướng ngại khác để về đích trong tổng hành trình khoảng 2km. Bài thi này bắt đầu từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm với yêu cầu kỹ năng phối hợp rất cao. Tất cả các xe trong đội phải về được đích mới có điểm. Bài thi này cũng sẽ giúp đánh giá kỹ năng vượt địa hình trong đêm tối, vượt suối, cứu hộ lẫn nhau.
Kỷ niệm không phai qua những chuyến offroad
Cứ vào tháng 6, tháng 7 hàng năm kể từ 2008 đến giờ, các cuộc đua offroad ngày càng thu hút đông đảo người tham gia. Cũng chưa thấy ai bỏ cuộc trừ khi chiến mã trục trặc thì đành ngậm ngùi trở thành cổ động viên vậy. Cảm giác đồng hành trong các cuộc đua offroad, dù là trọng tài hay tình nguyện viên giúp đỡ, lái xe cứu hộ, cổ động viên, phóng viên luôn là mê đắm..
Cảnh những chiếc xe địa hình gầm gừ tiến vào hố bùn. Ở chỗ sâu nhất, bùn tràn vào khoang xe khiến anh chàng ngồi phía sau hoàn toàn biến mất là rất bình thường.
Như trẻ con nghịch bẩn, tuổi tác bỗng nhiên biến mất, người chơi chỉ có một ham muốn duy nhất là vượt qua khó khăn, chinh phục đường đua.
Trình độ, kinh nghiệm của lái xe thể hiện ở từng địa hình. Ví như lái xe đường bùn lầy khác với chạy trên đường trơn, đóng băng và cát lún. Ở Việt Nam, chủ yếu là tổ chức thi vượt bùn lầy.
Kỷ niệm “ghê gớm” nhất chính là thiệt hại của những chiếc chiến xa. Dù trước giải đấu, tất cả các dân chơi xe cùng CLB của mình đầu tư rất nhiều tiền để độ xe thì trong lúc đi offroad, chỉ cần một cú trèo dốc quá cao, một cú bay qua hố quá sâu không thành công thì việc gẫy láp, vỡ cầu đã gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Nhà vô địch nội dung cơ bản của nhiều năm nay, anh Nguyễn Hồng Vinh (biệt danh là Gaz 69) cho biết: “Trong thi đấu offroad, yếu tố xe tốt chỉ chiếm 50%, còn lại là do con người quyết định. Người lái phải biết linh hoạt trong nhiều tình huống. Do chơi offroad đã 8 năm nên tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm”.
Tay chơi có nụ cười hiền này thật ra không… hiền chút nào. Có lần anh đã cùng CLB chi ra 1 tỷ đồng để độ lại xe và sửa chữa sau khi thi đấu. Quả thật là thú chơi “khủng”.
Những cái tên cựu trào như Hùng Offroad, Vũ Đỗ Hiếu, Nam Narva… luôn chia sẻ bí quyết với những tay đua mới nổi như Nguyễn Nam Sơn và Lê Anh Tuấn (CLB Vitara), Vũ Ngọc Cường (A.B.O Team)… Họ tuy khác CLB nhưng trong giới chơi xe, họ là một đại gia đình.
MY MY
1% của cuộc đua: Đó là hai xế nữ rất “chất”. Cả hai đều là lái chính. Đó là xế nữ Đỗ Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1979 – TGĐ Chevrolet Thăng Long) gây ấn tượng nhờ sự thân thiện. Chị cầm lái chiếc Colorado phiên bản LTZ 2.8AT, hai cầu. Tay đua thứ hai là Vũ Huyền Ngọc – lái chính của đội PVC Team XI.