Tài chính F1 2016: Khổ vì giá dầu
Các công ty dầu lửa luôn ưa thích sử dụng F1 như một công cụ hoàn hảo để đánh bóng hình ảnh. F1 được coi là “chiến trường” để họ thi thố các công nghệ, sản phẩm mới nhất, đồng thời cũng bơm vào đây những số tiền khổng lồ để cho cả thế giới biết mình là ai.
Nhìn vào làng F1 hiện nay, bạn có thể dễ dàng nhận ra những cái tên đình đám như Petronas với Mercedes, Shell với Ferrari, Total với Renault, ExxonMobil với McLaren và nhiều cái tên khác nữa.
Không chỉ có vậy, nguồn tiền từ dầu lửa cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức mỗi chặng đua F1. Những chặng đua tại Trung Đông (Abu Dhabi hay Bahrain), Malaysia, Nga hay sắp tới là Baku (Azerbaijan) chỉ thực sự trở thành hiện thực nhờ nguồn tài trợ từ “vàng đen”. Khi món hàng này trở nên rẻ mạt, thì nguồn tiền này cũng đang tìm cách chạy khỏi F1.
Mỗi năm, công ty dầu lửa quốc gia Venezuela PDVSA tài trợ cho Renault khoảng 50 triệu USD (35 triệu bảng) để quảng cáo, nhưng ai cũng hiểu rằng phần lớn số tiền này dùng để “mua” ghế lái cho Pastor Maldonardo. Kinh tế đất nước này đang khốn đốn vì giá dầu với lạm phát lên đến 275% trong năm 2015. Tình hình Venezuela trong năm 2016 còn có thể khó khăn hơn khi lạm phát có thể lên 700% theo dự đoán của IMF.
Có lẽ đó là lý do tiền của PDVSA đã quá hạn vài tuần mà chưa vào tài khoản của Renault. Đội đua Pháp đã họp khẩn với công ty này và đưa ra tối hậu thư sẽ lập tức thay Maldonardo bằng Kevin Magnussen (Đan Mạch) nếu tiền không đến. Khi chuyện này xảy ra thì Renault chắc chắn cũng sẽ mất không ít tiền.
Trong khi đó, tình hình ở Trung Đông dù bết bát nhưng vẫn chưa đến mức quá xấu, đặc biệt là ở Abu Dhabi. Các ông chủ tại đây dù làm ăn khó khăn nhưng vẫn quyết tâm đầu tư mạnh vào chặng F1 với một mục đích mới. Họ muốn cho thế giới thấy mình đang đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ. F1 cùng những hiệu ứng du lịch, tài chính đi kèm phần nào thể hiện được điều này.
Ở Malaysia, hầu hết các hoạt động đua xe thể thao được tài trợ bởi Petronas. Mới đây, công ty này vừa tuyên bố sẽ cắt giảm 11 tỷ USD ngân sách trong năm nay, đồng thời tiến hành sa thải hàng loạt nhân viên. Vì vậy, tham vọng đưa tay lái Jazeman Jaafar vào làng F1 đã bị đình chỉ. Các hoạt động khác, thậm chí là tương lai của chặng đua tại Malaysia cũng đang bị đặt câu hỏi.
Nhưng khó khăn hơn cả phải kể đến tình hình tại Nga và Azerbaijan. Không chỉ thiếu tiền do giá dầu xuống thấp, hai nước này đang gặp vấn đề lớn khi tỷ giá giữa đồng nội tệ và các đồng tiền chủ chốt như USD hay Euro rơi xuống mức kỷ lục. Trong 18 tháng vừa qua, đồng rouble mất 70% giá trị so với USD. Trong khi đó, người dân Baku cũng đã sớm quên niềm tự hào tổ chức F1 khi chỉ trong 1 tháng qua, đồng manat của họ cũng đã mất đến 32% giá trị.
Trong khi đó, tất cả các hợp đồng tổ chức chặng F1 đều sử dụng USD hoặc Euro là đơn vị tính toán. Điều này khiến Nga và Azerbaijan phải bỏ ra số tiền nội tệ lớn hơn nhiều để tổ chức hai chặng đua F1 so với những năm trước.
Nhiều chuyên gia nhận định, thời kỳ vàng son của dầu lửa sẽ không bao giờ quay lại nữa. Có lẽ, F1 cũng sớm phải đi tìm nguồn sống mới cho mình.