Kỷ lục gia Nguyễn Thị Huyền và nỗi nghiệt ngã "tấm huy chương ASIAD đầu tiên ở điểm cuối sự nghiệp"
Tối qua 4/10 tại SVĐ Olympic Hàng Châu (Trung Quốc), "bà mẹ một con” chỉ còn một cơ hội cuối để giành lấy một tấm huy chương ở sân chơi ASIAD, tấm huy chương Á vận hội đầu tiên ở điểm cuối của một sự nghiệp lẫy lừng.
Trước đó, chân chạy quê Nam Định từng 3 lần vô địch châu Á, kỷ lục 13 lần lên đỉnh SEA Games và dự Olympic ở hai nội dung đạt chuẩn là 400m cùng 400m rào, nhưng lại chưa giành một tấm huy chương tại Á vận hội.
Đó vẫn là nỗi khắc khoải, niềm đau đáu, nhất là kh, Huyền đã thất bại trước đó ở 400m rào. Cơ hội có thể nói cuối cùng được đặt vào cả nội dung 4x400m tiếp sức nữ, nơi cô cùng Nguyễn Thị Ngọc, Minh Hạnh và Nguyễn Thị Hằng đang là đương kim vô địch châu Á.
Huyền vẫn được xếp ở lượt chạy thứ 3 như khi cô tạo đột biến quyết định ở giải châu Á 2 tháng trước. Sau khi Nguyễn Thị Ngọc xuất phát đầu và tạm xếp thứ 3 với 51.07, đến lượt Minh Hạnh xuất phát. Song, chân chạy sinh năm 1999 không có thành tích tốt. Cô hoàn thành với thời gian lên đến 56.48, để rồi đội Việt Nam xếp thứ 4.
Và kể từ thời điểm chiếc gậy tiếp sức trao vào tay Huyền, bà mẹ một con đã dốc hết sức lực cho 400m. Cô gái sinh năm 1993 bứt tốc "xé gió” để leo lên vị trí thứ 3. Huyền cán đích với thời gian 51.87. Tuy vậy, Nguyễn Thị Hằng không thể duy trì vị trí này khi bị Tharushi của Sri Lanka vượt lên, và đội 4x400m nữ đã hụt tấm HCĐ trong tiếc nuối.
Các cô gái Việt Nam cán đích với thời gian 3:31.61, tốt nhất trong năm 2023 nhưng vẫn kém vị trí giành HCĐ của Sri Lanka đúng 0.73 giây.
Thêm một lần nữa, Nguyễn Thị Huyền lỗi hẹn với tấm huy chương ASIAD. Ở tuổi 30, Huyền gần như không thể - nếu không muốn nói là đã chấm hết cơ hội đoạt huy chương ở Á vận hội.
Rõ ràng, ASIAD vẫn là nỗi đau đáu khôn nguôi với chân chạy 30 tuổi này. Ở lần đầu tham dự vào năm 2014, Huyền chưa thể chạm tới huy chương cả hai nội dung 400m rào và tiếp sức 4 x400m, khi bản thân và các đồng đội thừa nhận hãy còn “quá non”.
Bốn năm sau ở Indonesia, giai đoạn có thể nói đang bước vào độ chín nhất, Huyền lại không thể tham gia do sinh con. Chị ở nhà chăm con theo dõi và cỗ vũ cho các đồng đội cùng tổ đã thi đấu rất thành công (Quách Thị Lan đoạt HCB 400m, đội nữ đoạt HCĐ tiếp sức 4 x400m).
Hai lần tham dự nhưng Huyền đành lỗi hẹn với sân chơi Á vận hội. Điểm lại sự nghiệp của chân chạy quê Nam Định để thấy, càng tiếc nuối hơn cho cô. Trước khi đến Trung Quốc, Huyền cùng đồng đội giành tấm HCV nội dung tiếp sức 4 x400m tại Thái Lan vào tháng 7.
Cô đã có tấm HCV châu Á thứ 3 trong sự nghiệp, cùng với Quách Thị Lan đứng chung kỷ lục về số HCV châu Á mà một VĐV điền kinh Việt Nam giành được. Trước đó, ở giải 2017, Huyền từng có một cú đúp HCV trên hai đường chạy 400m rào và tiếp sức 4x400m nữ.
Bên cạnh những tấm huy chương khu vực, châu lục, chân chạy sinh năm 1993 cũng từng tạo nên một kỳ tích khác khi là VĐV Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này đạt chuẩn Olympic ở hai nội dung 400m và 400m rào (Rio 2016) và giải vô địch thế giới 2015 nhờ thành tích chuyên môn ngay tại đấu trường khu vực, SEA Games 2015.
Tuy không thành công ở ASIAD nhưng điều đó không thể phủ mờ tài năng, nghị lực của cô gái sinh năm 1993 này. ASIAD luôn là đấu trường khắt nghiệt, nơi quy tụ những chân chạy xuất sắc nhất châu lục; thậm chí, Huyền cùng đồng đội phải đối đầu với những đối thủ nhập tịch từ châu Phi. Điều đó càng ghi nhận hơn nỗ lực vươn mình của Huyền cũng như đồng đội.