Tiền thưởng "nóng" cho VĐV giành huy chương ASIAD 19 vẫn... nguội
ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc sẽ diễn ra từ 23-9 đến ngày 8-10, nhưng một số môn sẽ khởi tranh từ trước đó 4-5 ngày. Hiện tại, lịch tổ chức lễ xuất quân dự ASIAD 19 của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) là ngày 16-9 tới, sau đó tới ngày 20-9 hầu hết các đội tuyển của đoàn TTVN sẽ di chuyển sang Hàng Châu.
Tuy vậy, đến thời điểm này một trong những việc quan trọng là huy động nguồn lực tài trợ để làm quỹ thưởng "nóng" cho các VĐV giành huy chương, đặc biệt là HCV ở ASIAD tới vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Theo tìm hiểu của Webthethao, có nhiều lý do dẫn tới việc chậm trễ này. Thứ nhất, thực tế là việc huy động các nguồn tài trợ xã hội - chủ yếu từ các doanh nghiệp - gặp nhiều nan giải trong bối cảnh tình hình kinh tế chung đang rất khó khăn.
Theo lãnh đạo Cục TDTT chia sẻ, việc tìm nguồn tài trợ gây quỹ thưởng "nóng" cho VĐV giành HCV ASIAD cũng khá khó, chưa nói đến việc thưởng cho tất cả các VĐV giành huy chương. Ở kỳ ASIAD gần nhất năm 2018 TTVN đã giành số huy chương kỷ lục, 39 tấm, trong đó có 5 HCV.
Thứ hai, vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình của ASIAD 19 cũng ảnh hưởng tác động tới việc vận động tài trợ. Đến thời điểm này bản quyền truyền hình của Á vận hội tới dù đã "giảm nhiệt" nhưng vẫn chưa có đơn vị nào ở Việt Nam thực sự mặn mà muốn mua.
Được biết, giá bản quyền ASIAD 19 không còn ở mức... trên trời, lên đến 15 triệu USD mà giảm còn 7 triệu USD (khoảng 178 tỉ đồng, chưa kèm phụ phí truyền dẫn, thuế…).
Con số này thực tế vẫn cao gấp... 35 lẫn cũng là cực cao nếu so với số tiền 200.000 USD mà một đài truyền hình tại VN đã bỏ ra để mua bản quyền ASIAD năm 2014, và gấp gần 5 lần so với hồi ASIAD ở Indonesia năm 2018.
Do nhiều đơn vị truyền thông không thể chi trả số tiền khổng lồ mua BQTH ASIAD 19 cũng đồng nghĩa với việc không thể khai thác quảng bá thương mại từ hình ảnh của Á vận hội và đương nhiên các doanh nghiệp cũng không mặn mà hào hứng chi tiền tài trợ, thưởng.
Còn nhớ, ở ASIAD năm 2018 vấn đề khó khăn như trên từng xảy ra và chỉ đến khi có một đơn vị đứng ra hỗ trợ tiền mua BQTH (1,5 triệu đô-la) do hiệu ứng từ thành tích của đội bóng nam Olympic, bầu không khí Á vận hội mới thực sự được hâm nóng tại Việt Nam.
Cũng ở kỳ ASIAD gần nhất, phải sát ngày lên đường, sau nhiều nỗ lực vận động từ phía Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT), Ủy ban Olympic quốc gia mức thưởng "nóng" cho VĐV mới được công bố.
Khi đó, mức thưởng "nóng" cho VĐV giành HCV ngay tại địa điểm thi đấu là 300 triệu đồng. Còn các VĐV giành HCB, HCĐ được thưởng "nóng" lần lượt các mức 30 và 20 triệu đồng.
Thực tế, để giành được tấm HCV châu lục rất khó khăn nên thường các VĐV cá nhân hay tập thể vẫn nhận được nhiều khoản thưởng giá trị sau đó. Tại ASIAD năm 2018, sau khi giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn TTVN, 4 cô gái thi nội dung thuyền nhẹ mái chèo đôi của đội tuyển rowing Việt Nam đã được công bố thưởng nóng tới 850 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi VĐV còn được thưởng 70 triệu đồng/người theo đúng quy định của nhà nước.
Cũng trong năm đó, Bùi Thu Thảo sau cú nhảy xa xuất thần giành HCV ASIAD cũng đã được thưởng "nóng" xấp xỉ nửa tỷ đồng.
Rõ ràng, những khoản thưởng "nóng" giá trị hoàn toàn tương xứng cho những VĐV đã mang vinh quang châu lục về cho tổ quốc. Thông thường, có những doanh nghiệp, đơn vị chưa công bố mức thưởng từ trước đại hội mà sẽ chỉ tuyên bố thưởng "nóng" sau khi VĐV giành được HCV. Ngoài ra các Liên đoàn, Hiệp hội của từng môn cũng ít nhiều vận động được nguồn tài trợ từ xã hội hóa.
Nhưng hơn lúc nào hết, khi ASIAD 19 chỉ còn cách hơn chục ngày, rất cần những khoản tài trợ để từ đó gây quỹ và công bố mức thưởng "nóng" bởi đó cũng là động lực thiết thực để các VĐV thêm hưng phấn khi bước vào tranh tài ở đấu trường lớn khắc nghiệt.