VCK EURO và "người dẫn chuyện" Lịch sử (Kỳ 2)

thứ ba 14-6-2016 16:35:59 +07:00 0 bình luận
Giống như chu kỳ một vòng tuần hoàn, sau 56 năm chiếc cúp Henri Delaunay đã quay lại khai sinh ra giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu, nước Pháp với "phiên bản nâng cấp" từ 16 lên 24 đội lần đầu tiên trong lịch sử.

Giống như chu kỳ một vòng tuần hoàn, sau 56 năm chiếc cúp Henri Delaunay đã quay lại khai sinh ra giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu, nước Pháp với "phiên bản nâng cấp" từ 16 lên 24 đội lần đầu tiên trong lịch sử.

Kể từ khi người Pháp nảy ra ý tưởng tổ chức một giải đấu chỉ dành riêng cho các quốc gia tại Lục địa già, diễn ra 4 năm một lần, thì VCK EURO (hay tên gọi nguyên thủy là Giải vô địch các quốc gia châu Âu) đồng thời cũng chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cả văn hóa xã hội, kinh tế chính trị của các quốc gia trong châu lục ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Trong thời kỳ nhiễu nhương đó, VCK EURO chính là bức tranh tương phản đầy sống động nhưng cũng không thiếu những mảng tối về sự thịnh suy của các quốc gia tại Lục địa già trong trong gần sáu thập kỷ qua.

VCK EURO và "người dẫn chuyện" Lịch sử (Kỳ 1)

Nước Pháp và một châu Âu đa văn hóa

Thống kê trung bình, cứ 7 người Pháp thì có một người gốc Phi, Mỹ Latin hoăc châu Á. Ngay tại thủ đô Paris, có đến hai Chinatown (hay Phố Tàu), một tại quận 9 và nơi còn lại ở quận 13 - trước khi là nơi cư trú cho người ngoại tỉnh khi đến Paris.

Bóng đá Pháp có hai số 10 vĩ đại nhất trong lịch sử, Michel Platini và Zinedine Zidane, là niềm cảm hứng để Pháp có hai chức vô địch châu Âu và một lần bước lên đỉnh thế giới.

Năm 1984, Tuyển Pháp vô địch nhờ một Michel Platini toàn năng, ghi bàn trong cả 5 trận đấu và đoạt ngôi Vua phá lưới với 9 bàn - thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử các VCK EURO.

Hai năm sau khi giành được World Cup đầu tiên và duy nhất đến lúc này trên sân nhà năm 1998, Pháp đánh bại Italia trong thời gian hiệp phụ để lần thứ hai vô địch châu Âu. Đội trưởng của Pháp năm đó là Didier Deschamps, nhưng Zinedine Yizad Zidane mới được công nhận là thủ lĩnh và biểu tượng của bóng đá Pháp.

Sự khác biệt giữa hai người chính là nguồn gốc.

Michel Platini là niềm tự hào của vùng Jeouf, thuộc Lorraine, phía Bắc nước Pháp. Cả cha và mẹ Platini đều có gốc Italia và bản thân cái họ Platini cũng đậm chất Italia. Thế Chiến thứ Nhất kết thúc không lâu, làn sóng nhập cư từ các thuộc địa ồ ạt đổ về Pháp và ông nội của Platini, Francisco là một trong số đó. Cha của Platini, ông Aldo từng là một cầu thủ chuyên nghiệp, sau khi giải nghệ vừa là nhà toán học, vừa giữ vai trò giám đốc tại đội bóng Nancy-Lorraine - CLB chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp của Michel Platini.

Trong khi đó, giống như tên đệm Yizad đặc trưng Phi, Zinedine Zidane là con của một gia đình nhập cư. Cha mẹ anh, những cư dân sinh sống tại Kabylie, Bắc Algeria đã di cư sang Paris năm 1953, trước khi cuộc Chiến tranh Algerie nổ ra.

Dù vậy, người Pháp chưa bao giờ mảy may không thừa nhận Michel Platini và Zinedine Zidane không phải là những đứa con của mảnh đất hình lục lăng.

Nhưng Tuyển Pháp vô địch châu Âu năm 2000 không chỉ có Zidane là "con lai", mà còn là những Patrick Vieira, người sinh ra tại Dakar, Senegal - nơi nổi tiếng với cuộc đua xe đường trường nguy hiểm nhất thế giới; Lillian Thuram và Christian Karembeu, những người đều sinh ra bên ngoài biên giới Pháp hay Youri Djorkaeff, người gốc Armenia.

Tuyển Pháp tại EURO 2000

Nước Pháp chỉ là ví dụ tiêu biểu cho một châu Âu đa văn hóa, với minh chứng tiêu biểu nhất là tại World Cup 2014, trong 13 đại diện châu Âu thì chỉ có Nga là ĐTQG không có cầu thủ nào sinh ra tại nước ngoài.

Tuy nhiên, có một sự thật không thể chối bỏ, không phải quốc gia châu Âu nào cũng chấp nhận sự "hòa tan" về văn hóa. Đơn cử như Đức, một ĐTQG với đầy đủ những cầu thủ gốc Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana, khi được phỏng vấn vẫn có người không muốn một anh chàng da màu như Jerome Boateng sống bên cạnh nhà mình.

Hay như tại Áo mới đây, việc chính phủ quyết định mở cửa cho hơn 90.000 người tị nạn tràn vào Áo đã tác động mạnh tới tâm lý cử tri Áo và khiến người dân tỏ ra cực kỳ thất vọng.

Dòng người tị nạn xếp hàng dài chờ đợi đi qua Slovenia để vào Áo.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, cả châu Âu bị sốc khi lần đầu tiên ứng viên của Đảng Cực hữu bài ngoại lọt vào tới vòng 2 và chiếm thế thượng phong trong cuộc đua trở thành Tổng thống Áo. Trong khi đó, cả hai Đảng thay nhau cầm quyền tại Áo là Xã hội trung tả và Bảo thủ trung hữu đều bị loại trong vòng 1.

Vì nếu điều này thành sự thật, sẽ là lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến thứ Hai, một quốc gia châu Âu có Tổng thống đi theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại.

Cuộc nội chiến Balkan

Những cuộc chính biến đầu những năm 1990 đã tạo ra tấn bi kịch cho một Liên bang Nam Tư cũ hùng mạnh năm xưa.

Sau khi Liên Xô cũ chính thức tan rã năm 1991, các cuộc xung đột sắc tộc giữa các quốc gia trong Liên bang Nam Tư càng trở nên gay gắt hơn, khiến tình hình chính trị và ngoại giao của khu vực leo thang căng thẳng. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến Nam Tư bị tước tấm vé tham dự VCK EURO 1992 để trao cho Đan Mạch, đội được vớt nhưng sau đó lại vượt qua tất cả những đối thủ sừng sỏ khác để đăng quang.

Cầu thủ ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 cho Đan Mạch trong trận chung kết với Đức là tiền vệ công Kim Vilfort. Nhưng ít ai biết rằng mùa Hè năm đó cũng là lần cuối cùng Vilfort được nhìn thấy cô con gái Line. Thiên thần nhỏ khi đó mới 7 tuổi nhưng lại mắc phải căn bệnh bạch cầu hiểm nghèo. Vilfort đã hai lần bay đi về giữa Thụy Điển và Đan Mạch, và bàn thắng trong trận chung kết cùng chức vô địch là món quà vô giá mà người cha dành tặng cô con gái xấu số.

Kim Vilfort và chức vô địch EURO 1992

Khởi đầu là Slovenia, rồi tới Croatia tuyên bố ly khai khỏi Liên bang Nam Tư và kéo theo những cuộc chiến không ngừng nghỉ tại Croatia, Bosnia & Herzegovina và Kosovo, đã gây ra cái chết cho hơn 100.000 nghìn người và khiến hàng trăm nghìn người khác bị trục xuất khỏi chính quê hương mình và phải chạy tị nạn.

Sau đó, Bosnia & Herzegovina, Serbia, Montenegro và Macedonia cũng lần lượt tuyên bố độc lập nhưng hiện tại mới chỉ có Croatia và Slovenia được kết nạp là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, đầu năm nay, Kosovo vừa trở thành thành viên thứ 55 trong ngôi nhà chung của LĐBĐ châu Âu (UEFA) và Champions League 2016/17 sẽ là lần đầu tiên có một đội bóng của Kosovo - CLB KF Feronikeli có tên tại vòng loại - đội bóng vẫn được ví như Leicester City của Kosovo.

2004, Hy Lạp, Đỉnh cao và Vực sâu

Mùa Hè 2004 tại Bồ Đào Nha, Hy Lạp tạo nên cơn chấn động lớn nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu. Đó mới là lần đầu tiên bóng đá Hy Lạp được tham dự một VCK EURO sau 24 năm, còn trước đó họ mới chỉ hai lần vượt qua vòng loại và thậm chí còn chưa thể kiếm nổi dù chỉ một trận thắng. Nhưng bỏ qua tất cả những con số thống kê, Hy Lạp cứ lầm lỳ tiến đến ngôi vô địch.

Có vé qua vòng bảng chỉ do ghi được nhiều bàn thắng hơn đội đứng thứ ba Tây Ban Nha, hiệu số bàn thắng - bại của Hy Lạp kém nhất trong số 8 đội tại tứ kết.

Thế nhưng một Hy Lạp khù khờ, ngu ngơ đã hạ sát cả Pháp, CH Czech và luồn "nhát dao kết liễu" vào mạng sườn Bồ Đào Nha trong trận tái đấu. Ba trận đấu, Hy Lạp ghi tổng cộng ba bàn và quan trọng nhất là không để lọt lưới. Và cả ba bàn thắng của họ đều được ghi bằng đầu. Trước giải, các nhà cái đặt cửa vô địch cho Hy Lạp là 1 ăn 80.

Khi chiếc cúp Henri Delaunay được các cầu thủ rước về thủ đô Athens, đã có hơn chục nghìn CĐV ra đón những người hùng dân tộc. Hơn 100.000 CĐV đã tụ tập tại SVĐ quốc gia Panathenaic - nơi tổ chức kỳ Olympic hiện đại đầu tiên năm 1896, đồng thanh hát vang quốc ca và hô vang khẩu hiệu "Chúa là người Đức" để tôn vinh HLV Otto Rehhagel - kiến trúc sư trưởng trong chiến tích vĩ đại của bóng đá Hy Lạp.

Nhưng đêm huyền diệu tại Lisbon cũng là điểm sáng cuối cùng của đất nước Hy Lạp, không chỉ trên bình diện bóng đá hay thể thao mà còn là cả xã hội.

Năm 2009, chính phủ Hy Lạp tuyên bố không còn khả năng chi trả khoản nợ công khổng lồ, gây ra cuộc biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của hàng nghìn người dân Hy Lạp, cũng như khiến cả cộng đồng Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) điêu đứng.

Và dù đã nhận được gói cứu trợ quốc tế trị giá 300 tỷ euro, khoản nợ của đất nước so với tổng thu nhập quốc dân của Hy Lạp vẫn cao hơn tới 180%. Đà suy thoái kéo nền kinh tế của quốc gia này thụt lùi ghê gớm, làm tỷ lệ thất nghiệp trên toàn đất nước tăng gấp 3 lần và trung bình cứ hai thanh niên Hy Lạp thì có một người không có việc làm.

Một châu Âu khủng hoảng

Năm 2012, lần thứ hai trong lịch sử có hai quốc gia cùng đứng ra tổ chức một vòng chung kết EURO, sau Thụy Sỹ và Áo năm 2008, đến lượt Ba Lan và Ukraine bắt tay nhau. Đó cũng là lần thứ hai liên tiếp, Tuyển Tây Ban Nha giành chức vô địch.

Giải đấu đó, có duy nhất một trận Tây Ban Nha không thể ghi được bàn thắng trong thời gian đá chính, đó là trận bán kết gặp Bồ Đào Nha. Cuộc phiêu lưu của Bồ Đào Nha kết thúc khi Cesc Fabregas thực hiện thành công cú đá quyết định trong loạt luân lưu.

Cảm xúc trái ngược của các CĐV Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong trận bán kết EURO 2012

Thành phố Donbass khi đó được chọn là nơi tổ chức trận bán kết căng như dây đàn giữa hai người anh em cùng thuộc bán đảo Iberia. Và chẳng ai ngờ rằng, chỉ hai năm sau thôi Donbass lại biến thành chiến trường đẫm máu giữa lực lượng ly khai có vũ trang với quân đội Ukraine.

Cuộc xung đột khi đó không chỉ khiến hơn 9.000 người thiệt mạng, mà còn mở đầu cho cuộc khủng hoảng trầm trọng đang hoành hành trên khắp châu Âu. Kinh tế châu Âu đi xuống nghiêm trọng, đồng euro sụt giá thê thảm, nợ công tại Hy Lạp, cuộc khủng hoảng di cư và mới nhất là kịch bản Brexit có thể xảy ra khiến cho xã hội châu Âu dường như đang đi vào bế tắc và không thể tìm ra cách giải quyết.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội