Cơ thủ Tất Duy Kiên bị loại vì hút thuốc: Luật không có điều khoản "thông cảm"!
Ở vòng loại Maldives Open Pool 2023, Tất Duy Kiên đã bị xử thua John Vincent của Philippines vì lý do hút thuốc trong giờ nghỉ. Đó là thời điểm nghỉ giải lao giữa trận, khi Duy Kiên đang dẫn 4-3.
Do đã thua ở trận đầu, cơ thủ Việt Nam không thể lọt vào vòng 1/16. Đó là điếu thuốc đắt nhất trong sự nghiệp Duy Kiên. Nếu thắng và đi tiếp, anh sẽ nhận ít nhất 1.500 đô-la tiền thưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng đối thủ của Kiên chơi không fair vì đã báo cáo hành động hút thuốc của Duy Kiên cho BTC.
Tuy nhiên, cuộc chơi nào cũng có luật và quy định. Vì thế nếu nói đối thủ của Duy Kiên chơi fair cũng không hề sai. Anh ta chơi theo luật. Luật không có điều khoản "thông cảm". Quy định BTC ghi rõ: Nếu bị bắt gặp hút thuốc hoặc trao đổi với VĐV khác trong giờ giải lao sẽ bị xử thua. Vấn đề nằm ở Duy Kiên. Anh giải toả áp lực tâm lý theo cách sai vì không nắm rõ quy định.
Đây không phải vấn đề của riêng Duy Kiên. Các VĐV thể thao Việt Nam đang có những bước tiến về chuyên môn, đang hướng ra những đấu trường quốc tế. Nhưng chỉ nỗ lực tập luyện trau dồi chuyên môn chưa đủ, họ cần trang bị hành trang kiến thức, hiểu các quy định của cuộc chơi và quan trọng không kém là ngoại ngữ.
Vì không có ý thức và hành trang kiến thức, bản Hợp đồng với hàng dài quy định, điều khoản đáng lẽ có thể bảo vệ quyền lợi của các VĐV lại gây rắc rối cho họ vì không hiểu và nắm rõ.
Vì không có ngoại ngữ, nhiều VĐV bị hạn chế trong phát triển sự nghiệp và khi ra thi đấu quốc tế. Còn nhớ ở giải Alfa Las Vegas Open hồi tháng 3, Dương Quốc Hoàng trong một tình huống bị trọng tài bắt lỗi không chính xác, anh ngớ người nhưng không thể giao tiếp. Hoàng “sao” không có ngoại ngữ và phải hướng ánh mắt đến Đặng Thành Kiên giúp đỡ.
Nhìn rộng hơn, VĐV thể thao Việt Nam không nhiều người có thể giao tiếp tiếng Anh, dù là “tiếng Anh bồi” để có thể trao đổi khi cần.
Khi đặt kế hoạch đào tạo cầu thủ trẻ, bầu Đức đã đưa vào giáo trình cả học văn hoá và ngoại ngữ. Lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… nhờ vậy có thể tự tin khi phải dùng đến ngoại ngữ. Hay như Thanh Thuý của tuyển bóng chuyền không phải nhờ đến phiên dịch viên khi chơi ở Nhật Bản.
Đáng tiếc, những trường hợp như vậy không nhiều. Hiếm hoi đến nỗi việc một VĐV thể thao trả lời phỏng vấn không phải tiếng Việt lại gây ngạc nhiên, thán phục trong khi đó là điều vốn dĩ cần phải có.
Các VĐV cần thay đổi, và trách nhiệm cũng nằm ở những nhà quản lý trong việc định hướng các VĐV. Tóm lại, chúng ta phải thay đổi!