Cấp bách bàn cách phòng chống đuối nước trẻ em khi mùa hè đến
Hôm nay (8/5), Tổng Cục Thể Dục Thể Thao đã chính thức phát động Chương trình Bơi An Toàn, Phòng Chống Đuối Nước Trẻ Em năm 2018.
Hàng năm, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam. Số lượng trẻ em bị tử vong do đuối nước hàng năm xảy ra nhiều, đặc biệt vào thời gian hè và mùa mưa bão, mùa nước nổi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐTBXH, mỗi năm có khoảng 2000 trẻ em đuối nước, tức là trung bình có khoảng 7-8 trường hợp đuối nước mỗi ngày. Đây là con số rất nhức nhối.
Ngay trong hai ngày hôm qua và hôm nay đã có ít nhất 5 trường hợp trẻ em tử vong vì đuối nước ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Bắc Giang.
Một trong những nguyên nhân tử vong do đuối nước đó là tình trạng trẻ em không biết bơi. Tổng hợp báo cáo sơ bộ từ các tỉnh/thành trong cả nước tỉ lệ trẻ em Việt Nam biết bơi chiếm dưới 30%. Chính vì vậy việc phổ cập bơi và các kỹ năng phòng - chống đuối nước trong lứa tuổi học đường là giải pháp hết sức cấp thiết.
Số lượng bể bơi ở Việt Nam hiện tại khoảng 3510 bể bơi
237 bể bơi dài 50m
766 bể bơi dài 25m
997 bể bơi dài dưới 25m
1510 bể bơi lắp ghép
Chương trình "Bơi An Toàn, Phòng Chống Đuối Nước Trẻ Em" được tổ chức với nhiều hoạt động, được triển khai tại khắp 63 tỉnh thành từ tháng 5/2018 với mục tiêu tạo sự đột phá trong năm 2018. Các hoạt động chính của chương trình bao gồm: tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền xây dựng, xuất bản tài liệu chuyên môn, kỹ thuật về bơi an toàn, phòng chống đuối nước;
sản xuất các clip (40 clip) hướng dẫn các kỹ thuật bơi cơ bản, clip xây dựng mô hình bể bơi, xây dựng chuyên mục về bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, tổ chức thi rung chuông vàng học sinh tiểu học và trung học sơ sở tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, tổ chức giải bơi thiếu nhi toàn quốc, hội thi bơi lặn cứu đuối...Song song với đó, môn bơi cũng đang được xem xét đề nghị đưa vào luật như một môn học dành cho các học sinh.
Sự khó khăn của chương trình Bơi An Toàn, Phòng Chống Đuối Nước Trẻ Em là cơ sở hạ tầng kém, số lượng bể bơi còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực xảy ra nhiều trường hợp đuối nước nhất. Đây là yếu tố khiến các đại diện của Vụ TDTT quần chúng, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ LĐTBXH trăn trở.
Để giảm bớt tỉ lệ đuối nước trẻ em đòi hỏi phải có sự chung tay của ngành thể thao, ngành giáo dục, gia đình và cộng đồng. Anh Đỗ Minh Thơ, thành viên chủ chốt của CLB bơi phượt đường dài, tin tưởng chương trình phổ cập bơi, phòng chống đuối nước có tính khả thi. "CLB của chúng tôi có những bé bơi được vài km ở không gian ngoài ao, hồ. Không nhất thiết phải xây bể bơi trong trường học mà các địa phương có thể tận dụng ao hồ, cải tạo lại để mọi người có thể hướng dẫn nhau tập bơi".
Bà Lê Thị Hoàng Yến Phó Tổng Cục Trưởng, Tổng Cục Thể Dục Thể Thao phát biểu: "Với chương trình này, Tổng Cục Thể Dục Thể Thao và các đối tác đặt mục tiêu giảm tỷ lệ số trẻ tử vong do đuối nước so với năm 2017 và 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em trong năm 2018. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của Nestlé MILO trong chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2018, cũng như những đóng góp tích cực cho thể thao học đường."
Lễ phát động trẻ em toàn quốc học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước sẽ được phát động tại Ninh Bình vào ngày 20-5 tới.