Bật mí những câu chuyện đặc biệt về chuyền hai quê Quảng Bình Lâm Oanh
Thừa hưởng đam mê, tài năng từ bố mẹ
Oanh sinh ra trong gia đình có hai chị em ở thôn Diên Trường, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Một xã miền núi thanh bình nằm dọc bên bờ sông Gianh. Điều đặc biệt, gia đình cô gái sinh năm 1998 không có ai theo thể thao chuyên nghiệp nhưng bố mẹ lại là những tay chơi bóng chuyền cự phách ở địa phương.
Thuở còn trai trẻ, ông Đoàn Dũng (sinh năm 1972), bố của Oanh đi lính nghĩa vụ 3 năm ở Huế. Ông mê bóng chuyền và đánh hằng ngày. Ông cũng là tay đập chủ lực của đơn vị. Sau này, đơn vị có ngỏ ý ở lại theo chuyên nghiệp nhưng ông từ chối, xuất ngũ về quê làm ăn.
Mẹ của Oanh, bà Đoàn Thị Thu (sinh năm 1977) là chuyền hai vang danh của khu vực. Khi hai người gặp nhau và tiến tới hôn nhân, họ hạ sinh Oanh. Lúc Oanh còn nhỏ, anh Dũng đi làm ăn xa. Oanh ở nhà lẽo đẽo với mẹ. Hai mẹ con quấn quýt bên nhau qua ngày.
“Mẹ thì nghiện bóng chuyền. Thế là, hai mẹ con cứ đi đâu cũng có nhau. Oanh theo mẹ đi đánh bóng chuyền từ lúc lên 3-4 tuổi. Khi đến sớm chưa có ai chơi thì hai mẹ con chơi với nhau. Đi dần thấy mẹ đánh là Oanh thích, ngấm vào máu”, chị Thu kể lại.
Thời đó, sân bóng chuyền ở nhà văn hóa thôn Diên Trường chỉ là sân cỏ. Trời mưa lầy lội, nắng bụi mịt mù. Nhưng không khi nào, chị Thu bỏ chơi. Chị là cây chuyền hai nức tiếng. Cứ thế, Oanh lẽo đẽo theo mẹ đến năm 12 tuổi.
Mới lên lớp 6 nhưng cô bé Oanh bỗng cao lớn lều khều. Cô cao đến gần 1m60. “Nhiều người cứ trêu cao khiến Oanh buồn”, chị Oanh nói. Nhưng cũng từ đó, Oanh chơi bóng chuyền càng tốt lên. “Tôi dạy cách chơi đầu tiên cho con gái và hướng cháu theo vị trí chuyền hai như mẹ luôn”, chị Thu tâm sự.
Anh Dũng bảo: “Oanh không thể phát triển nếu chơi chủ công như bố vì bàn tay của Oanh to nên dễ chuyền hơn”. Ngay từ nhỏ, cả anh Dũng, chị Thu đều hướng Oanh đến với một vị trí nhất định khi đến với bóng chuyền.
Thống thiết xin mẹ bỏ vì quá áp lực
Hè năm 2011 là bước ngoặt lớn với Oanh. Cô gái xinh xắn cùng mẹ ra Bắc Giang thăm nhà dì. Tại đây, những cuộc trò chuyện liên hồi bỗng dẫn dắt Oanh đến với bóng chuyền vì quá cao.
Chị Thu chia sẻ: "Ban đầu xin tuyển vào đội Bắc Giang. Sau này tìm hiểu đội nào tốt hơn rồi mới đi vì có lợi thế chiều cao. Lúc ở nông thôn nắng cháy da, đen xì nhưng ra Bắc Giang khoảng 10 ngày, da dẻ khác hẳn. Theo tìm hiểu đội Bộ Tư lệnh Thông tin tốt hơn. Lúc đó, chiều cao chuẩn của Oanh là 1m585 và đo xương có thể phát triển chiều cao hơn nữa”.
Hai mẹ con cùng đi thi. Bộ Tư lệnh Thông tin chuyển chọn và sàn lọc gắt gao. Oanh trúng tuyển ban đầu khi chọn 13 người từ số lượng hơn 30 thí sinh.
"Oanh đứng thứ 12, Nguyễn Thị Hường đứng nhất. Oanh thua tuổi nên hơi yếu, xếp áp chót, tưởng chừng bị cho về. Bạn thứ 13 bỏ còn Oanh đứng sau cùng”, chị Thu nhớ lại. Chị lo lắm. Lo mọi thứ xảy đến với con. Đến nỗi, chị nhớ lại, chị giảm sút còn 47kg.
Ba tháng hè thời điểm đó quyết định vận mệnh của Oanh. Cô bé mới tuổi 13 vốn hồn nhiên ngây thơ, nay phải đi vào khuôn khổ trong môi trường quân đội, rèn luyện gian khổ. Oanh không chịu nổi nhiệt.
Cô nhớ nhà da diết, lại vất vả chưa quen vì lâu nay bố mẹ bao bọc. Mệt đến nổi, có lần Oanh ca thán: “Con nhớ mẹ. Mẹ đẻ con ra đừng bỏ con lại đây, lo ra đưa con về chứ không con không biết sống thế nào”. Nghe con thế, chị nhắn lại: “Con nhớ mẹ một phần nhỏ thôi còn mẹ nhớ con gấp hàng ngàn lần".
Những lúc như vậy, chị nhờ em ruột ở Bắc Giang xuống động viên, dẫn đi thăm thú Hà Nội cho khuây khỏa. Còn chị cứ thời gian ngắn là tay xách nách mang từ quê ra thăm con vài ngày. Chị cũng nhớ con nhưng giấu kín trong lòng. Vốn người ở quê không có tiền nhiều, lại ở xa nên mỗi lần như thế, chị bắt xe đò, ngồi ghế cứng cả nửa ngày đường ra với con. "Khi đi chợ hỏi còn bé thế nào là lại khóc”, chị giãi bày.
Nhưng trong thâm tâm, chị tự nhủ: “Không cho về, chỉ sợ con vượt qua khó khăn hay không. Bất cứ vấn đề gì khó khăn với con phải tạo điều kiện chứ không tính nước về. Họ đuổi mới về. Xác định đi một hướng chứ không có hướng khác”.
Bước đột phá không tưởng ở giải trẻ năm 2016
Anh Dũng chị Thu vạch ra con đường rất rõ ràng cho Oanh. Phải đi từ từ. “Từ đội trẻ lên đội 1, rồi dự bị đội 1, ra sân từ dự bị, đánh chính rồi thành trụ cột”. Đó là bài học chị buộc Oanh phải thuộc nằm lòng.
Thế nên, chị không gây sức ép nào cho con. Ngược lại, chị hiểu và động viên con. Những cuộc trò chuyện về cuộc sống, chuyên môn càng gắn kết gia đình. Anh Dũng càng thấu hiểu những vất vả, gian truân của con.
Anh kể: “Mình làm bố nhưng phải thừa nhận độ chịu khó của con. Trước đây ra đội trẻ đâu phải to lớn hơn các bạn. Chuyên môn, sức khỏe, chiều cao đều thua nhưng lo chịu khó, từng bước một vươn lên. Trưa ngủ nhưng tập một mình, sáng sớm dậy con cũng tự tập”.
Cứ thế, Oanh âm thầm lặng lẽ phát triển. Bước đột phá khó tin nhất ở giải vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc năm 2016. Lúc này, hai mẹ con chỉ mong Oanh có tên trong đội Bộ Tư lệnh Thông tin để đi chứ không mơ mộng nhiều.
Chị kể: “Oanh gọi về bảo con được chọn đi đội trẻ, mừng lắm. Bởi đó là giải đấu đầu tiên của Oanh. Oanh nằm trong danh sách dự bị rồi vào cho đánh chính, càng vui mừng hơn. Đã thế, Oanh lại nhận giải cá nhân chuyền hai xuất sắc. Oanh được chọn lên đội tuyển trẻ quốc gia, thi đấu ở nước ngoài. Mẹ không ngờ từ dự bị rồi ẵm giải cá nhân, lên đội tuyển trẻ".
Người mẹ như chị Thu vui sướng vô cùng. “Đó là giải đấu mang tính đột phá. Bản thân cứ nghĩ được chọn đi đã mừng rồi, chứ không mong gì. Mình xuất thân từ nông thôn, có con như vậy quá hãnh diện”, chị kể lại mà trong lòng vẫn rạo rực niềm vui.
Thành quả và lời dặn “khắc cốt ghi tâm” của mẹ
Oanh có bước đi đầu tiên và chị Thu cũng từ đó đồng hành cùng con ở mọi giải đấu trong nước. “Đi cổ vũ khắp nơi, con thi đấu ở đâu khăn gói đi đó”, chị chia sẻ. Nhưng vốn bản tính của những người mẹ miền Trung tảo tần hay lo xa.
Chị lo Oanh thiếu tập trung nếu thấy mẹ trên khán đài. Thế là, có giải, chị hóa thân thành “ninja” bịt khẩu trang kín mít âm thầm cổ vũ con. Nào ngờ, có lúc sướng quá, chị lại quên. "Có lần ở Tam Kỳ, thấy con đánh tốt, tôi reo lên vì mừng quá. Thế là, Oanh biết và nhìn lên khán đài. Tôi sợ cháu bị mất trung”, chị kể lại.
Khi Oanh đánh giải, mọi nếp sống của gia đình bị đảo lộn. Anh chị sắp xếp thời gian dõi theo Oanh. Đến nỗi, “ba mẹ ở nhà, con chuyền quả nào xấu, quả nào sai đều biết hết. Thậm chí là quả thứ mấy. Lúc đánh xong trận rồi trò chuyện với con”.
Chị Thu nói đùa nhưng dặn con bài học: “Khi ngoài đời bạn thân còn khi vào thân là kẻ thù. Bắt tay vẫn bắt tay nhưng phải hết mình trên sân”.
Đến nay, Oanh đã có bước tiến vững chắc. Cô là đội phó ĐTQG và đội trưởng của Bộ Tư lệnh Thông tin. Oanh gặt hái nhiều thành tích cùng đội nhà. Đặc biệt là hai chức vô địch AVC Challenge Cup 2023 và Cúp các CLB châu Á 2023.
Tuy vậy, chị Thu thổ lộ: “Đến hiện tại gia đình cũng không yên tâm. Khi nào cũng cầu nguyện, động viên con cái chứ chưa bao giờ thả lỏng cả. Bố mẹ mong muốn vào đội dự bị của đội 1, rồi nếu vô đánh rồi đánh chính; đi nghĩa vụ rồi biên chế. Luôn nhắc nhở, mong con đi từng bước, giống như đẻ con ra tập ngồi, tập đứng, tập đi”.
Chị răn dạy con: “Mẹ luôn khuyên con nghe lời thầy cô lương thiện, đừng để bên ngoài cám dỗ. Chẳng hạn có người có sự nghiệp, có đội khác liên hệ thì bỏ đội chủ quản. Tuyệt đối con làm người như vậy. Dù có ai lôi kéo, con không được phép bỏ. Dù sao, Bộ Tư lệnh Thông tin là nơi nuôi dưỡng mình từ nhỏ và cũng đừng ý nghĩ về đội nào khác mà hãy tập trung vào đội hiện tại”.
Ước mơ một lần nhìn con gái thắng Thái Lan
Anh Dũng, chị Thu đều có một ước ao rằng, một ngày nào đó, Oanh cùng đội nữ Việt Nam sẽ thắng Thái Lan. Anh Dũng phân tích: "Bước một và chuyền hai của Thái Lan vẫn hơn mình. Còn chủ công Việt Nam không thua họ. Thái Lan sản sinh ra các chuyền hai đẳng cấp. Lâm Oanh be chắn, chuyền vẫn tốt nhưng vẫn thua xa.
Tay của Thái Lan luôn giấu bóng, kể cả đứng bên ngoài cũng không biết chuyền hướng nào chứ Lâm Oanh vẫn thỉnh thoảng có những pha chuyền bóng bị lộ. Không canh quả bóng đi trước hay đi sau. Họ chuyên môn vẫn hơn. Oanh Có lợi thế chiều cao, bỏ nhỏ tốt nhưng về chuyền hai vẫn học hỏi Thái Lan nhiều”. Theo dõi sát sao hành trình của con, anh Dũng mong ước: “Bao giờ thắng Thái mới thấy thỏa mãn phần nào”.
Tường Hân - Hà Thảo