“Oanh tạc cơ” Văn Kiều từng dội bom trên đất Indonesia như thế nào?
Tại SEA Games 2007, chủ công 23 tuổi cao tới 1m96 Ngô Văn Kiều đã lần đầu xuất hiện và lập tức gây chấn động với lối chơi hừng hực máu lửa, những pha bật cao dứt điểm “xé toang” mọi dàn chắn để đưa ĐT bóng chuyền nam quốc gia đoạt tấm HCB lịch sử.
Trong đó, Kiều đã có một trận đấu để đời khi ghi tới 31 điểm để gần như một mình đả bại chủ nhà Thái Lan, cũng đang là ĐKVĐ tới 3-0 ở trận bán kết. Có tới 17 điểm của anh đến từ những pha dứt điểm trái phá sau vạch 3 mét, điều vô cùng hiếm ngay cả với những tay đập hàng đầu thế giới.
Quá mê mẩn tài năng đặc biệt được ví như một “oanh tạc cơ”, nhiều lãnh đạo, HLV các đội bóng trong khu vực khi đó đã đánh tiếng muốn mời Ngô Văn Kiều sang khoác áo. Nhanh chân nhất, CLB số 1 Indonesia là Samator Group đã liên hệ với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và CLB Sanest Khánh Hóa mời tay đập được đánh giá là hay nhất Đông Nam Á thời điểm ấy sang đầu quân.
Họ còn mau mắn trả cho Liên đoàn khoản lệ phí chuyển nhượng 1.000 USD, thậm chí còn ký hợp tác toàn diện với CLB chủ quản của chủ công quê Hà Nam. Cụ thể, để có được Kiều, đội bóng xứ Vạn đảo phải “nhường” 2 VĐV xuất sắc Affan và Ayif cho Sanest Khánh Hòa chơi tại giải VĐQG Việt Nam.
Với mức lương 2.000 USD/tháng, từ cuối tháng 4/2008, Kiều đã sang Indonesia thi đấu và khẳng định được giá trị của mình. Trong một đội hình tập hợp tới 8 tuyển thủ quốc gia Indonesia, lại thêm 2 ngoại binh Nhật Bản và Thái Lan, Kiều vẫn giành được vị trí chính thức.
Cả 2 mùa giải tại đây, Kiều thi đấu không thiếu một phút nào, thậm chí luôn nằm trong 3 chủ công ghi được nhiều điểm nhất giải, với hiệu suất 15-20 điểm mỗi trận. Chủ công cao 1m96 này thực sự gây sốc cho giới chuyên môn cùng người hâm mộ bóng chuyền Indonesia, bởi không ai nghĩ Việt Nam lai có một chủ công hay đến vậy.
Rất tiếc do chấn thương của bản thân cùng những ràng buộc của bóng chuyền Việt Nam thời ấy nên cuộc chinh phục xứ người của anh đã sớm dừng lại. Tuy nhiên, cựu đội trưởng ĐTQG cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của “người mở đường” cho bóng chuyền và cả thể thao Việt Nam.
Trước Kiều, Việt Nam cũng đã có vài VĐV xuất ngoại, như tiền đạo bóng đá Lê Huỳnh Đức song phải đến chuyến du đấu của Kiều mới được ngành thể thao ghi nhận, bởi nó thực sự mang tính chuyên môn, có thành quả thực tế.
Chính mẫu hình thành công của Kiều đã khai mở cho những Ngọc Hoa, Thanh Thúy sau này. Chỉ có điều con số 7 cầu thủ từng xuất ngoại đấu thuê đến thời điểm này là quá ít so với khả năng chuyên môn và xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ của bóng chuyền Việt Nam.