Bi hài việc Đắk Lắk giải thể đội bóng chuyền, chuyển VĐV năng khiếu qua...bắn súng, đua thuyền
Hơn 1 thập kỷ xây dựng và trưởng thành cho tới ngày hôm nay, đội bóng chuyền nam Đắk Lắk đã có những bước tiến mới khiến nhiều người cảm thấy tự hào về năng lực cũng như thành quả gặt hái được sau nhiều năm vun trồng. Hiện tại đội bóng có nhiều tuyến phát triển và theo định hướng trước đây, đội sẽ cố gắng lọt vào top đội mạnh tại giải hạng A và phấn đấu lên chơi tại giải VĐQG.
Thành tích giành HCĐ giải hạng A mùa giải 2020 là niềm vui cũng như báo hiệu cho sự trưởng thành của một tập thể non trẻ nhưng mang trong mình sự quyết tâm cao độ. Hiện tại trong đội hình khá nhiều VĐV có năng lực có thể phát triển cao hơn nữa trong thời gian tới.
Để tập trung phát triển cho nhiều môn thể thao thế mạnh và có thành tích nên lãnh đạo Sở đã quyết định giải thể đội bóng chuyền nam Đắk Lắk từ năm 2021. Vụ việc không có gì nếu theo đúng trình tự giải thể đội bóng, nhưng hiện tại nhiều phụ huynh và ngay cả bản thân nhiều VĐV theo học các lớp năng khiếu cũng như tuyến 2 tại đây được nhà trường (Trường năng khiếu Thể dục thể thao Đắk Lắk) thông báo “sẽ chuyển cháu sang môn khác như bắn súng, bắn cung, chèo thuyền để… đào tạo lại”.
Trong cuộc trao đổi với phụ huynh học sinh sau khi đội bóng nhận quyết định giải thể thì lãnh đạo Trường và Sở nhận được nhiều băn khoăn, trăn trở của không ít gia đình đã tin tưởng gửi gắm con em họ vào đây.
Những câu hỏi trong đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh đang theo học tại Trường năng khiếu Thể dục thể thao Đắk Lắk được nêu ra trong đơn kiến nghị như:
“Việc giải thể đội bóng sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Vì các em đã rất tâm huyết với môn thể thao mà các em đã lựa chọn, bỏ công tập luyện mấy năm trời mới có được ngày hôm nay. Không những thế còn làm ảnh hưởng đến chất lượng học văn hóa của các em vì hầu như thời gian học tại trường năng khiếu các em tập trung cho việc tập luyện là chủ yếu nên lực học không thể bằng các bạn học ở các trường ngoài, khi cho về địa phương các em sẽ bị mặc cảm, tự ti, không theo kịp bạn bè.
Trường đã ký hợp đồng giữa nhà trường và gia đình các vận động viên với thời hạn là 5 năm mà đang học nửa chừng thì Nhà trường và Lãnh đạo Sở đơn phương chấm dứt hợp đồng là sai phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tình người đối với các vận động viên, Nhà trường đưa ra quy định vận động viên nếu phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường toàn bộ kinh phí và cấm thi đấu toàn quốc vậy khi nhà trường, lãnh đạo Sở đơn phương hủy hợp đồng với các vận động viện thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với con em chúng tôi đây? Nhà trường có hướng chuyển các em sang bộ môn khác, nhưng các em và phụ huynh không đồng ý, vì sở thích và năng khiếu của các em không đáp ứng được”.
Rõ ràng vậy việc giải thể đã được quyết định nhưng các em học sinh hiện tại được nhà trường định hướng cho chuyển đổi sang các môn năng khiếu khác hoặc trả về địa phương tiếp tục học tập. Từ việc định hướng chuyển đổi môn năng khiếu của các học sinh tuyến trẻ bóng chuyền Đắk Lắk khiến nhiều gia đình cảm thấy bất an.
Những câu hỏi trong đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh tập trung vào vấn đề: “Chuyển đổi rồi vài năm sau lại nói con tôi không phù hợp, có phải dở dang hết mọi thứ?” đang gây xôn xao dư luận bởi bản thân các em có tố chất bóng chuyền mới được tuyển chọn và tập luyện.
Đào VĐV thành tích cao là việc lựa chọn những em có tố chất phù hợp với 1 bộ môn nhất định, từ đó tập trung phát triển nâng cao cho các em theo bộ môn. Như vậy nếu xét trên góc độ khoa học thể thao, việc điều chuyển của Trường đang khiến những phụ huynh đã tin tưởng giao con em cho họ cảm thấy bất an, và ngay cả bản thân những học sinh này cũng đang rất khó lựa chọn tương lai cho mình khi đã đi cùng bóng chuyền một thời gian không nhỏ.