Tiêu chí tuyển chọn cầu thủ “khó hơn người mẫu” của Thông tin Liên Việt PostBank
Những cô gái trưởng thành từ lò đào tạo bóng chuyền Thông tin Liên Việt PostBank luôn là niềm mơ ước của các đội bóng khác. Đánh giá về chất lượng đào tạo và tuyển sinh thì có thể nói đây là một trong những điểm đến hàng đầu của các em nhỏ có niềm mơ ước thành công với bóng chuyền nữ.
Nhìn những Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh hay lứa sau như Bùi Thị Ngà, Âu Hồng Nhung và Nguyễn Linh Chi trưởng thành, vụt sáng thành những ngôi sao, chắc chắn sẽ là cái đích của mỗi bạn trẻ khi bước chân vào môi trường đào tạo bóng chuyền Thông tin.
Ví von một cách hơi khập khiễng rằng Thông tin Liên Việt PostBank giống như trường chuyên của làng bóng chuyền. Chính vì thế mà những yêu cầu với học sinh “trường chuyên” cũng phải khác so với các trường làng.
Chẳng thế mà có những bậc phụ huynh đưa con đi tuyển không đủ tiêu chuẩn đã phải thốt lên rằng “khó hơn thi người mẫu”. Cũng đúng thôi bởi ngoài tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng, kỹ năng thì các yếu tố khác cũng được đặt ra đến mức “khắt khe”.
Nhìn vào những yêu cầu tuyển sinh như “Các ứng viên có sức khoẻ tốt, không có bệnh mãn tính, không có dị tật bẩm sinh, chưa bị gãy chân, gãy tay và chấn thương hệ cơ, dây chằng….” mới thấy hết được việc để có được một VĐV tốt là cả quá trình sàng lọc, tuyển chọn rồi đào tạo.
Không những thế, trong quy chế sơ tuyển năm nay các yêu cầu về chiều cao như: “Tuổi đời 12 đến 15 tuổi (sinh năm 2005 đến 2008) có chiều cao cơ thể:
+ Sinh năm 2005 có chiều cao từ 1m74 trở lên.
+ Sinh năm 2006 có chiều cao từ 1m72 trở lên.
+ Sinh năm 2007 có chiều cao từ 1m70 trở lên.
+ Sinh năm 2008 có chiều cao từ 1m66 trở lên.
Sau bước sơ tuyển đầy gian khó, để lọt được vào vòng sau các ứng viên còn được kiểm tra năng khiếu thể thao thông qua bài kiểm tra trực tiếp một số nội dung đã quy định (chạy 30m xuất phát cao, bật với cao tại chỗ, bật xa tại chỗ, di chuyển ngang 6mx6 lượt, ném bóng rổ và bắt bóng phản xạ). Đây có thể nói là vòng thi khó khăn nhất với các em nhỏ để chứng tỏ được bản thân.
Khác với trường hơp chủ công Đỗ Thị Minh là VĐV thiếu tới 3cm so với định mức tối thiểu 1m65 của tuyến trẻ, chân cô cũng rất ngắn và không tương xứng với cân nặng, có nghĩa là theo dự báo bình thường Minh sẽ không phát triển được chiều cao.
Tưởng như bị loại chắc, song thật may mắn cho Minh khi cô sở hữu một đặc điểm dị thường là sải tay rất dài, nhất là đối sánh với các chỉ số của lưng, chân. Nhờ thế, Minh được tạm giữ lại để hậu xét xem thế nào. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất và cũng là thành công nhất của bóng chuyền nữ Thông tin.
Chính vì nguồn VĐV được tuyển chọn một cách kỹ càng cùng với một chương trình đào tạo hết sức bài bản mà đội bóng luôn có lực lượng VĐV kế cận vào loại hùng hậu nhất Việt Nam. Các em được tuyển chọn vào CLB trong các tuyến trẻ ngoài việc được học văn hóa, trau dồi kỹ năng sống và tập bóng chuyền còn được các thầy cô trong CLB nuôi dạy như người con, người cháu trong nhà.
Các em được hưởng chế độ đãi ngộ như một quân nhân nếu phấn đấu tốt lên đội 1. Chính vì vậy mà việc “thi đầu vào” của các em được xem “khó hơn cả chọn người mẫu”.
Theo dõi các tuyến 2, và tuyến 3 của CLB luyện tập, các em có sự phát triển khá đồng đều. Ngoài những buổi tập trên sân bóng trong một cơ ngơi hiện đại bậc nhất, những buổi học văn hóa của các em được lãnh đạo CLB quan tâm đến từng chi tiết.
Trao đổi với Trung tá Dương Thanh Toan, chỉ huy CLB ông cho biết: “Thường ngày các em sẽ phải tự đạp xe đi học dưới sự kèm cặp của các thầy các cô trên đường để các em có được sự dạn dĩ khi ở ngoài xã hội. Những ngày trời mưa hoặc nắng nóng thì CLB vẫn có xe đưa đón các em để đảm bảo an toàn và sức khỏe để luyện tập”.
Như vậy có thể thấy rằng đây chính là một môi trường có kỷ luật quân đội để rèn luyện tinh thần, ý chí của các em nhỏ, ngoài ra sự đãi ngộ của Bộ tư lệnh Thông tin sau khi các VĐV về nghỉ cũng là một trong những điểm thu hút sự chú ý của các em trước cơ hội nghề nghiệp không thể nào tốt hơn.