Nghịch cảnh bóng chuyền Việt qua chia sẻ của “người trong cuộc” đặc biệt
HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chính thức được đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương chấp thuận đơn xin nghỉ và kể từ ngày 1/2/2021 ông đã trở thành tân HLV đội bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh.
Cuộc trao đổi diễn ra trước thời điểm xảy ra vụ việc liên quan đến Kim Huệ nhưng cũng hé lộ nhiều góc khuất liên quan đến nội tình đội bóng ngành ngân hàng- một “điểm nóng” trong những vụ đi/ở nổi sóng liên tiếp, mà mới nhất là trường hợp của Kim Huệ cùng ba học trò.
Trước khi nhận được lời mời của Than Quảng Ninh, ông có nhận được những lời đề nghị nào khác?
HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: Có, có một vài đội trong nước cũng có lời mời nhưng tôi chọn Than Quảng Ninh.
Lý do nào khiến ông chọn gắn bó với đội bóng chuyền đất Mỏ?
Thứ nhất là đội bóng phù hợp vì gần nhà. Thứ 2, đây là đội bóng có nội lực và khát vọng vươn tới những thành tích cao hơn trong tương lai.
Ông đã quyết định xin nghỉ với đội Ngân hàng Công thương từ thời điểm nào?
Tôi đã có quyết định từ sau vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2020.
Có thông tin cho rằng trước khi nộp đơn xin nghỉ ông đã lôi kéo một vài VĐV theo thầy đến với đội bóng mới, vậy ông có thể cho biết thực hư chuyện này như thế nào?
Chính vì VĐV ra đi mà HLV như tôi không thể giữ chân được mặc dù trước đó tôi cũng đã đề xuất khá nhiều phương án lên BLĐ đội bóng để giữ chân họ. Sau mỗi một mùa giải đội lại mất một vài vị trí chủ chốt nên bản thân tôi cảm thấy công sức mình làm sau bao nhiêu năm không được đáp lại một cách thỏa đáng. Hơn nữa, với hướng đầu tư và quản lý VĐV của công ty Coseco (Công ty TNHH THương mại - Dịch Vụ - Đầu tư Viettin hay còn gọi Công ty Coseco là đơn vị chủ quản của đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương từ tháng 11/2019) nó không còn phù hợp với hướng đi mà tôi đã định hình từ trước nên việc chia tay là điều trước sau cũng sẽ tới.
Khi chia tay đội bóng mà ông đã gắn bó một thời gian dài như thế, ông có đánh giá gì về chặng đường mình đã đi qua?
Sau chức vô địch năm 2016 tôi thấy về chế độ đãi ngộ VĐV thì đội vẫn đảm bảo, tuy nhiên cách quản lý VĐV và hướng đi của đội (Công ty TNHH THương mại - Dịch Vụ - Đầu tư Viettin) không được ổn lắm nên từ một đội bóng có thể trở thành thế lực của bóng chuyền Việt Nam hiện tại trở thành đội bóng suýt chút nữa rơi khỏi Top 4 bởi thiếu yếu tố con người. VĐV thì hoang mang bởi hướng đi của đội cộng thêm nhiều nhân tố chủ chốt không còn mặn mà nên thời điểm này có thể nói là khó khăn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Kỳ 1: Từ trường hợp Kim Huệ tới nghịch cảnh bi hài của bóng chuyền Việt
Kỳ 2: Những cuộc "đi đêm" đình đám làm dậy sóng bóng chuyền nội
Kỳ 3: Ca ”nóng" Kim Huệ và quy chế chuyển nhượng bóng chuyền Việt 10 năm... "lập cho có"!
Kỳ 4: Nghịch cảnh bóng chuyền Việt qua chia sẻ của “người trong cuộc” đặc biệt
Kỳ 5: Nhìn từ vụ Kim Huệ bóng chuyền, VBA ngăn chặn tình trạng "đi đêm" như thế nào?