Chelsea: Quá đà thành sa đà
Với những ai không xem trực tiếp trận đấu thì xin được nói rằng, Chelsea kiểm soát bóng đến 64% trước chủ nhà Stoke. Đội bóng London dứt điểm 19 lần về khung thành đối phương, tức hơn gấp đôi đối thủ (Stoke; 8 lần). Họ được hưởng sút phạt 17 lần, trong đó có 9 pha đá phạt góc. Số lần Chelsea khiến thủ môn của Stoke phải trổ tài là 7, đồng nghĩa công bằng thì Chelsea ít nhất phải có 1 bàn thắng.
Và với những ai theo dõi trận đấu, họ càng cảm thấy thất bại của Chelsea phi lý lớn đến mức nào. Ramires sút cận thành đi chệch cột dọc khó tin. Diego Costa đệm bóng trượt đến khó hiểu. Willian, Matic… đều bỏ lỡ những cơ hội đáng tiếc, và phần nào đó đôi găng Butland của Stoke cứu thua xuất thần. Một trong số ít lần Chelsea phải hứng chịu sóng gió thì họ phải nhận bàn thua.
Chelsea chơi không tệ, về cả khả năng phòng thủ lẫn tấn công. Đúng hơn thì phải thừa nhận đây là một trong những trận cầu hay nhất của đội bóng áo xanh mùa giải năm nay khi thiếu vắng Jose Mourinho trên băng ghế chỉ đạo. Đặc biệt là Eden Hazard, cầu thủ tả xung hữu đột cả trận đấu. Tóm lại, về cơ bản lối chơi của Chelsea và nỗ lực của mọi cá nhân đều không có vết gợn gì.
Thế nhưng, Chelsea vẫn theo thói quen thua trận, thua đôi khi khó lý giải. Không đơn giản là sự thiếu may mắn ở đây, mà bản chất có lẽ là họ thiếu đi cảm giác của những… nhà chiến thắng. The Blues đã thua 6/11 vòng trước đó, họ gặp rắc rối nhiều trong phòng thay đồ, những cái đầu không chụm lại cùng một hướng và nhất là tinh thần đi xuống… tất cả những điều đó khiến cỗ máy hoạt động thiếu trơn tru. Sự tự tin vào khả năng mất đi, thế chỗ cho nó là những hoài nghi bao trùm. Trong tư tưởng mỗi cầu thủ, họ nghi ngờ ở chính khả năng của họ. Đây là hệ quả mang tính tâm lý, cụ thể là chẳng hạn khi bạn để cho tinh thần rệu rã trong một quãng thời gian dài, bạn sẽ tự đánh mất đi bản năng của một kẻ mạnh. Tinh thần là thứ rất khó định nghĩa tuy nhiên nôm na có thể hiểu rằng nó chỉ có thể mạnh mẽ nếu được nuôi dưỡng thường xuyên. Đấy là chưa tính đến các yếu tố tác động nó đi xuống, như những “nghi án” phản thầy (Mourinho), đâm sau lưng lẫn nhau, phá đội, không vì lợi ích của tập thể… Tóm lại là động lực của Chelsea đã bị “tiêu diệt” từ nhiều tuần qua, và xuất phát từ chính những vết rạn trong phòng thay đồ. Khi động lực mất đi, mọi thứ sẽ đi chệch quỹ đạo, từ những đường chuyền, những cú dứt điểm cho đến cuối cùng là cái đích chiến thắng. Đấy mới là thứ mất mát lớn nhất với Chelsea. Mọi chuyện không đơn giản như cứ ổn định được phòng thay đồ là sẽ nhấc mình đứng dậy. Đã sa chân vào khủng hoảng nội bộ sẽ rất khó để vực dậy.
37. Đã 37 năm Chelsea mới lại biết đến 7 trận thua sau 12 vòng đấu đầu tiên ở giải VĐQG. Câu chuyện tương tự của 37 năm về trước đó (1978/79), Chelsea vào cuối mùa đã phải xuống hạng, thậm chí họ đứng bét bảng với 20 điểm có được sau 42 vòng đấu.