Chelsea sẽ tìm ra thuốc chữa "hội chứng mùa sau chức vô địch”?
Antonio Conte từng tuyên bố sẽ làm tất cả để Chelsea không lặp lại sai lầm như dưới triều đại Jose Mourinho ở mùa 2015/16. Nhưng liệu Chelsea có thể vượt qua "hội chứng mùa sau chức vô địch”?
Vào cùng thời điểm này năm ngoái, Chelsea bắt đầu chuỗi 13 trận thắng liên tiếp kéo dài đến tháng 12. Màn bứt tốc quan trọng ấy giúp thầy trò Antonio Conte tự tin hướng đến chức vô địch.
Nhưng bây giờ, Chelsea chỉ giành 13/22 điểm tối đa, kém ngôi đầu bảng Man City đang nắm giữ tới 9 điểm.
Sự thật thì ngay từ mùa Hè, giới chuyên môn đã nghi ngại về khả năng bảo vệ chức vô địch của Chelsea.
Dù CLB chi 186 triệu bảng để đưa về 7 cầu thủ mới thì HLV Conte vẫn không hề giấu giếm sự thất vọng vì cảm thấy không được hỗ trợ đầy đủ để củng cố đội hình, đặc biệt sau khi Matic bị bán sang M.U và Diego Costa nổi loạn bỏ đi.
Chỉ riêng trường hợp Matic đã là mất mát rất lớn. Rất nhiều pha lên bóng của Chelsea ở mùa giải trước dựa vào Matic, tiền vệ đánh chặn người Serbia có thể thu hồi bóng và phát động tấn công nhanh bằng những đường chuyền chính xác.
Thử so sánh, tiền vệ trẻ Bakayoko mà Chelsea tốn 40 triệu bảng mua về trong Hè này chỉ chạm bóng trung bình 62,98 lần và có 43,81 đường chuyền mỗi 90 phút ở Premier League 2017/18.
Hãy nhớ, chỉ số của Matic ở mùa 2016/17 cao hơn nhiều và hiện tại ở Man Utd tiền vệ người Serbia tiếp tục giữ vai trò tối quan trọng ở giữa sân.
Bên cạnh "nỗi nhớ Matic", bão chấn thương cũng ảnh tưởng tiêu cực đến nhà ĐKVĐ và khiến Conte chóng mặt.
Mùa trước, Chelsea chỉ có 14 trường hợp bị chấn thương phải nghỉ nhiều hơn 14 ngày (ít thứ nhì giải đấu) và số thời gian mà cầu thủ vắng mặt tổng là 877 ngày (thấp thứ ba giải đấu).
Mùa này, bão chấn thương đã bùng phát. Nó khiến Kante, Morata, Danny Drinkwater, Eden Hazard và Victor Moses lần lượt phải ngồi ngoài vào các điểm khác nhau.
Và việc phải căng sức đá Champions League khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi David Luiz và Bakayoko là những thương binh mới nhất sau trận hòa Roma 3-3.
Video Chelsea bị Roma cầm chân rạng sáng qua
Nếu thế là chưa đủ tồi tệ, cần biết thêm rằng hết chấn thương đến án treo giò buộc Conte phải bất đắc dĩ "xê dịch" chiến thuật ưa thích.
Việc chuyển từ hệ thống 3-4-3 thành công ở mùa trước sang 3-5-2 đã cho thấy những sai lầm và kém hiệu quả mà tiêu biểu nhất là trận thua Man City và hòa Roma.
Dễ nhận thấy, với sơ đồ này, Chelsea kiểm soát bóng rất ít, như trước Man City chỉ đạt 38%, còn trung bình mùa này là 51% trong khi mùa trước là 55%. Chính Conte thừa nhận điều này khiến đội bóng mất kiểm soát trận đấu.
Đương nhiên, sơ đồ mới cũng phần nào ảnh hưởng đến sự sáng tạo trong lối chơi.
Chelsea hiện đang đạt trung bình 1,63 bàn mỗi trận tại Premier League so với 2,23 của mùa giải trước, trong khi "Expected-Goals" (những bàn thắng được kỳ vọng sẽ đến từ những tình huống ngon ăn) chỉ ở mức thấp thứ 7 giải đấu.
Một phần dẫn đến tình trạng này chắc chắn do thiếu vắng Hazard ở một số trận, nhưng cũng là hậu quả của một hàng tiền vệ bất ổn đang phải chịu đựng mà không có Kante và Matic.
Chẳng hạn, Cesc Fabregas giảm sút cả về tỷ lệ kiến tạo và tạo ra cơ hội, chỉ đạt 0,17 và 3,49 mỗi trận so với 0,81 và 4,20 ở mùa trước, trong khi Bakayoko chỉ tạo ra 4 cơ hội trong 7 trận.
Với quá nhiều vấn đề đang tồn tại như vậy, phải thừa nhận rằng Chelsea của Conte đang đối mặt nguy cơ mắc vào hội chứng “mùa sau chức vô địch” như cách đây 2 năm.
Khi đó Chelsea của Mourinho cũng sa sút thảm hại sau chức vô địch và "Người đặc biệt" bị sa thải vào tháng 12. Giờ cũng đã sắp hết tháng 10 và liệu có phải chỉ là "sự kiện bình thường" khi Carlo Ancelotti quay lại dự khán trận gặp Roma vừa qua?