Jose Mourinho: Nghệ thuật lãnh đạo
Sự bất lực của Mourinho không chỉ được thể hiện bằng câu cảm thán Chelsea thua vì “2 sai lầm lố bịch” trong cuộc họp báo sau trận, mà từ trước khi trận đấu chưa diễn ra. “Một vài cá nhân có thái độ dễ dao động khi đòi hỏi các yếu tố như khao khát, động lực và sự tận tâm”.
Mourinho không chỉ ra cái tên cụ thể, thay vào đó ông đưa ra cảnh báo, đại loại nếu một số ngôi sao không chịu thay đổi ông sẽ loại họ và tung ra sân những cầu thủ trẻ. “Tôi là người tàn nhẫn”, Mourinho tỏ ra lạnh lùng.
Một trong những yếu tố làm nên một Mourinho-đặc-biệt là biết cách thu phục cấp dưới, có kỹ năng như một nhà tâm lý học. Tuy nhiên, điểm mạnh đang biến thành điểm yếu, Mourinho đang đánh mất dần sự đặc biệt.
Từ đầu sự nghiệp, Mourinho chưa bao giờ “vạch áo cho người xem lưng”. Quan điểm xuyên suốt của vị HLV này luôn là đóng cửa bảo nhau, và thường xuyên tìm cách đẩy áp lực từ các cầu thủ sang đối tượng khác. Nhưng giờ, Mourinho lại thay đổi triết lý và nó chỉ ra rằng ông đang bất lực trước đám “sao số”.
Lãnh đạo là một nghệ thuật. Mourinho đi đâu cũng được các cầu thủ yêu quý và tôn trọng, thậm chí có người con gọi ông là “bố Mou” hay có người phải rớt nước mắt khi Mourinho chia tay. Tuy nhiên, từ Inter, đến Real Madrid hay Chelsea giai đoạn đầu tiên, lần ra đi nào của Mourinho cũng dính đến tin đồn bị một nhóm cầu thủ “lật ghế”.
“Đừng bao giờ quá thân thiết với các cầu thủ, bởi họ rồi sẽ phản bội anh” – triết lý hàng đầu của Sir Alex Ferguson trong suốt 26 năm tại Old Trafford được chia sẻ trong cuốn tự truyện “Nghệ thuật lãnh đạo” vừa mới phát hành hẳn là lời khuyên khiến Mourinho thấy thấm nhất lúc này.
Q. Nguyên